Nghệ An:
Không đất sản xuất, hết gạo hỗ trợ, dân tái định cư khổ trăm bề
(Dân trí) - Đã 4 năm thực hiện việc di dời các hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong (Nghệ An) lên các khu vực tái định cư (TĐC) mới, nhưng thực tế đến nay hàng trăm hộ dân tái định cư vẫn thiếu đất sản xuất trong khi chính sách hỗ trợ lương thực (gạo) đã hết… Cuộc sống của bà con chật vật, khó khăn...
Đi tìm nguồn sống từ các sản phẩm phụ
Chuyển về điểm TĐC Pù Sai Cáng xã Thông Thụ (Quế Phong) từ năm 2012 nhưng đến nay, nhiều hộ gia đình vẫn chưa được giao đất sản xuất lúa nước và đất lâm nghiệp.
Gia đình ông L.Q.H. có 5 miệng ăn hầu như chỉ trông chờ vào nguồn gạo hỗ trợ của nhà nước, từ những đồng tiền làm thuê, chặt nứa, lùng,... đem bán.
Khi được hỏi về việc chưa được chia đất sản xuất thì làm gì để sống, ông H. ngao ngán: “Nhà tôi, từ lúc chuyển đến đây cũng rất khó khăn, gỗ thì nhà nước cấm nên chỉ vào rừng khai thác lùng, nứa về bán cho thương lái. Giờ thì phải đi xa hơn, mỗi ngày vất vả lắm chỉ kiếm được 100-150 ngàn thôi. Mong nhà nước sớm chia đất để dân làm ăn”.
Chung tình cảnh như ông H, rất nhiều hộ dân tại xã này đang rơi vào cảnh khó khăn chưa được giao đất sản xuất dù đã đến ở TĐC, từ bốn năm trước. Theo khảo sát của UBND xã Thông Thụ, toàn xã có 6 điểm TĐC gồm Huồi Sai, Pù Sai Cáng, Huôi Lướm, Na Lướm, Huối Dừa, Na Hứm với 394 hộ dân nhưng vẫn đang còn 930 ha đất lâm nghiệp, 25,34 ha đất lúa nước chưa giao cho dân.
Bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ xác nhận: “Tiến độ giao đất rất chậm. Theo kế hoạch thì sau khi di dời dân ổn định sẽ tiến hành giao đất sản xuất luôn nhưng đã bốn năm mà chưa giao xong. Thực tế là chưa giao được chứ không phải giao mà dân không nhận”.
Cũng theo bà Hồng, 6 điểm TĐC phân bố ở 9 bản nhưng đất lúa nước mới chỉ giao 3 bản, đất lâm nghiệp mới chỉ giao bốn bản. Bà Hồng nói: “Muốn đảm bảo lương thực thì phải có đất sản xuất nhưng dân không có đất sản xuất thì hệ lụy đói nghèo sẽ kéo theo”.
Vì chưa có đất sản xuất, hàng trăm hộ dân và hàng trăm nhân khẩu tại các điểm TĐC, thủy điện Hủa Na buộc phải mưu sinh bằng rất nhiều nghề: đi làm thuê nơi khác, làm thuê tại chỗ, tận thu lâm sản phụ (chặt nứa lùng đem bán), chăm sóc bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản... nhưng thực tế cho thu nhập quá thấp.
Nhiều người dân cho rằng: “Đất là tư liệu sản xuất chính và quan trọng nhất, nếu có đất thì dân sẽ không phải vất vả mưu sinh”. Ông Lương Thái Qúy - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (Quế Phong) cho biết: “Đang có hơn 100 hộ của bốn điểm TĐC, với khoảng hơn 110 ha đất sản xuất nông nghiệp (trồng cây hàng năm), ngoài ra còn có 36 hộ ở hai bản Huôi Chà Là và Khủn Na 2 chưa được giao đất lúa nước. Cuộc sống người dân rất khó khăn thì thiếu đất để làm ăn.
Hiện tại, 878 hộ dân ở 13 điểm TĐC theo dự án thủy điện Hủa Na vẫn còn 250 hộ với 771 ha đất lâm nghiệp chưa được giao đất ngoài thực địa; trong đó tập trung chủ yếu ở điểm TĐC Pù Sai Cáng, Na Lướm, Na Hứm, Huối Dừa. Đáng chú ý, vẫn đang có 411 hộ dân chưa được giao đất ruộng lúa nước (gồm cả những hộ tự khai hoang).
Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lang Văn Minh bày tỏ: “Việc chưa được giao đất sản xuất làm quyền lợi người dân bị ảnh hưởng và xáo trộn. Nguyên nhân chậm trễ này là do các đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế chậm, do sai lệch trong đo đạc số liệu, do một số diện tích đất có rừng tự nhiên đã giao nhưng yêu cầu phải dừng lại để tìm quỹ đất khác.
Loay hoay tìm giải pháp
Bàn về những bất cập, khó khăn khi đã TĐC, hơn bốn năm nhưng chưa có đất sản xuất, bà Lương Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Thông Thụ (Quế Phong) nhấn mạnh: “Sẽ rất bất cập khi đã hết thời gian hỗ trợ lương thực nhưng đất thì không có để làm ăn. Trách nhiệm này là của chủ đầu tư. Mốc thời gian để giao xong thì thấy hứa nhiều nhưng không làm được”.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thừa nhận: “Những bất cập khó khăn trong vấn đề này nguyên nhân là do nhiều phía. Trách nhiệm này là của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và cả chính quyền địa phương thiếu đôn đốc trong công tác chỉ đạo. Trong thời gian tới huyện tiếp tục kêu gọi gạo cứu trợ cho người dân và không thể để dân đói, dân thiếu gạo ăn. Về quan điểm của huyện sẽ xử lý nghiêm những ai, cơ quan nào liên quan để xảy ra tình trạng này”.
Đã 4 năm trôi qua nhiều hộ dân vẫn dài cổ chờ ổn định cuộc sống.
Được biết, trong cuộc làm việc ngày 31/8/2017 về giải quyết các vướng mắc trong việc giao đất sản xuất cho các hộ dân TĐC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng đã giao việc cụ thể cho huyện Quế Phong, Sở NN&PTNT, Sở TNMT, công ty cổ phần thủy điện Hủa Na căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp tốt hơn để giải quyết dứt điểm các vướng mắc này.
Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu huyện Quế Phong chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan cần sớm tập trung hoàn thành các thủ tục để thực hiện giao đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân đối với diện tích đất được dự kiến thay thế để chuyển đổi.
Riêng diện tích đất nông nghiệp thay thế còn thiếu thì tiếp tục tìm kiếm, vận động người dân nhận đất. Ông Minh nói thêm: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì đến 30/12/2017 phải giao xong đất sản xuất cho dân các điểm TĐC. Hiện chúng tôi đang ưu tiên làm trước các phần việc dễ, thuận lợi; tiếp tục vận động nhân dân đồng thuận bốc thăm nhận đất, tự khai hoang và tiếp tục xử lý những kiến nghị của dân”.
Nguyễn Tú