1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không có hộ khẩu, vẫn được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà

Hôm nay, 1/7, Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực thi hành. “Giấy hồng” sẽ được cấp trong vòng 30 ngày. Các loại giấy chứng nhận nhà, đất cũ vẫn còn giá trị. Luật Nhà ở với nhiều quy định mới sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của người dân.

Cụ thể, bên cạnh “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở), sẽ có thêm một loại giấy tờ chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở thay vì phải ghi nhận vào “sổ đỏ” như quy định trong Luật Đất đai.

Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở hoặc chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì chỉ cấp một giấy là GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Nếu chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp riêng GCN quyền sở hữu nhà ở (giấy hồng) và GCN quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Như vậy sẽ tồn tại hệ thống “giấy hồng” do các Sở Xây dựng cấp song song với hệ thống “sổ đỏ”.

Đối với những trường hợp đã được cấp GCN theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP hoặc đã được cấp “sổ đỏ” mà có ghi nhận nhà ở trong “sổ đỏ” đó thì không phải đổi lại theo mẫu mới, trừ trường hợp người dân có nhu cầu cấp đổi.

Với những trường hợp có nhà ở được tạo lập hợp pháp nhưng đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận nếu có nhu cầu thì sẽ được Nhà nước cấp giấy chứng nhận theo Luật Nhà ở thay vì cấp “sổ đỏ” theo Luật Đất đai.

Về thủ tục, việc cấp “giấy hồng” đã cởi bỏ một số phiền nhiễu cho dân. Theo quy định, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chỉ gồm 3 loại giấy tờ: Đơn đề nghị cấp GCN (theo mẫu); giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhà ở hợp pháp; sơ đồ nhà ở, đất ở do chủ nhà tự đo vẽ hoặc thuê các tổ chức có tư cách pháp nhân đo vẽ.

Tại vùng nông thôn, hộ gia đình, cá nhân có thể nộp hồ sơ tại UBND xã hoặc tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện; đối với các cơ quan, tổ chức, hồ sơ nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, người dân sẽ được cấp GCN. Trường hợp không đủ điều kiện, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan quản lý nhà ở phải có văn bản trả lời.

Đặc biệt, một vấn đề nan giải từng gây nhiều tranh luận là vấn đề “nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà” đã được Luật Nhà ở giải quyết. Điều 9 của luật quy định tổ chức, cá nhân trong nước không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi đăng ký hộ khẩu đều được quyền sở hữu nhà ở.

Mặc dù Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ 1/7, nhưng qua tìm hiểu, hầu hết người dân đều không mấy quan tâm đến loại “giấy hồng” này. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự “vào cuộc”.

Ông Bùi Văn Chiểu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Mặc dù từ ngày 1/7, Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành nhưng hiện nay Hà Nội chưa triển khai được ngay vì còn phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành luật này.

Hơn nữa, đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành mẫu GCN. Như vậy, người dân vẫn được cấp “sổ đỏ” theo Luật Đất đai 2003 cho đến khi có hướng dẫn cụ thể về việc cấp “giấy hồng”. Do vậy, việc cấp “giấy hồng” cho người dân cũng chưa thể thực hiện ngay được.

Theo Ng.Tú - Ng.Tuấn
Tiền Phong