1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Không có chuyện “nhằm bắn người đưa tin”

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh như vậy tại cuộc đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế ngày 28/11, với chủ đề: Vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng.

Ông Đỗ Quý Doãn cho biết cả nước hiện có 712 cơ quan báo chí, 15.000 nhà báo đã được cấp thẻ nhà báo, trong đó có hàng ngàn nhà báo chuyên viết điều tra phòng chống tham nhũng (PCTN). Các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát đưa tin, cập nhật hằng ngày, thậm chí hằng giờ.

Tăng quyền tiếp cận thông tin của người dân và báo chí

Trả lời khuyến nghị của một đại sứ về việc không nên nhằm vào để “bắn” người đưa tin cho dù có sự sai sót, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn giải thích về việc xử lý 2 nhà báo vừa qua là theo đúng quy định pháp luật. Đầu tiên, xử lý theo quy định về kỷ luật Cán bộ công chức; tiếp đến là xử lý vi phạm hành chính; mức cao hơn, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm, phải xử lý theo pháp luật hình sự.

Ông Doãn nhấn mạnh báo chí đã cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nhà nước luôn tạo thuận lợi cho báo chí trong đấu tranh PCTN. Vì vậy từ năm 1989 đến nay, Luật Báo chí liên tục được sửa đổi để phù hợp với thực tế và sự phát triển. Luật Báo chí sửa đổi sắp tới cần bổ sung quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Hoặc nên xây dựng luật Quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có quy định về quyền của phóng viên.

Không phân biệt “cá lớn, cá bé”

Lần đầu tiên tham gia đối thoại, Tổ chức Minh bạch Quốc tế hoan nghênh các nỗ lực PCTN của VN và mong muốn nỗ lực cao hơn nữa, “bắt cá to hơn nữa”, “cá” nào tham nhũng đều bị bắt. Đại diện Đại sứ quán Hà Lan bày tỏ: “Cảm nhận của tôi trong 6 tháng vừa qua có sự khác biệt trong việc phanh phui, nhiều khi con cá bé bị bắt, cá to tuột lưới là một vấn đề”.

Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền trấn an: Ở VN, chính Thủ tướng đã tuyên bố, dù người nào đó có vị trí cao, chức quyền lớn, nếu phát hiện sai phạm đều tiến hành xem xét, xử lý đúng mức theo pháp luật. “Bằng chứng là những năm trước có những ủy viên Trung ương Đảng, cấp thứ trưởng, bộ trưởng đã bị xử lý” - ông Truyền khẳng định.

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Quang Thống (Thường trực Hội Nhà báo VN) làm rõ thêm, có một thực tế dai dẳng, tồn tại âm ỉ trong nhận thức của một bộ phận người dân mà báo chí có nghĩa vụ phải kịp thời lý giải. Đó là quan niệm sai lầm cho rằng có “vùng cấm” trong đấu tranh PCTN, là chủ trương “giơ cao đánh khẽ” hoặc “đánh từ vai xuống”.

Sẽ công khai tài sản cá nhân

 

Đến nay, đã có 346.867 người ở 56.260 cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các cấp, ngành thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Các bộ, ngành, địa phương cũng tiếp tục thực hiện trả lương qua tài khoản để kiểm soát thu nhập.

 

Đại sứ Mỹ Michael Michalak cho rằng việc công khai tài sản sau kê khai “rất quan trọng để tăng cường tính hiệu quả của công khai, minh bạch”. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thừa nhận việc minh bạch, công khai tài sản mới chỉ thực hiện khi có yêu cầu đánh giá (như bầu cử, bổ nhiệm) hoặc khi có tố cáo thì thẩm tra, xác minh và công khai. Còn các trường hợp khác, mới kê khai để quản lý, chưa phải công khai. Vì theo Hiến pháp VN, mọi công dân được bảo đảm quyền bí mật về tài sản. “Sắp tới, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị, hạn chế bớt lĩnh vực thông tin gọi là mật (chỉ liên quan đến an ninh quốc gia). Tài sản cá nhân cũng phải công khai” - ông Truyền khẳng định.

 

Theo Thái An
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm