Không có chuyện bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và "giấu ở đâu đó"

Hoài Thu

(Dân trí) - Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương khẳng định, đến nay các cơ quan đang tích cực phối hợp truy bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan vụ án AIC, không có chuyện "đã bắt được nhưng giấu".

Chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương tổ chức thông tin về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra sáng cùng ngày.

Tiến độ điều tra một số vụ án trọng điểm như Việt Á, AIC cũng như cách phân hóa xử lý liên quan những sai phạm trong vụ đăng kiểm... được Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên thông tin rõ.

Lùi thời hạn kết thúc điều tra vụ Việt Á

Với vụ AIC, ông Yên cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử theo thời hạn Bộ Luật tố tụng hình sự quy định.

Không có chuyện bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và giấu ở đâu đó - 1

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: Hồng Phong).

Riêng với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn liên quan vụ AIC, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp, áp dụng biện pháp để cố gắng truy bắt.

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết, vụ án liên quan bà Nhàn đã được đưa ra xét xử. Bà Nhàn từ bị can thành bị cáo, rồi thành bị án, tức là người đã có bản án nên trách nhiệm là phải thi hành.

"Nhà nước quyết tâm thi hành nhưng giờ phải nói rõ là chúng ta chưa bắt được, chứ không có chuyện bắt được xong giấu ở đâu. Thi thoảng chúng tôi nhận được thông tin hỏi hình như bắt được rồi xong giam ở đâu phải không", Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.

Liên quan đến vụ án Việt Á, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, đến nay, cơ quan tố tụng đã điều tra làm rõ, nhưng vụ án này xảy ra từ Trung ương đến địa phương, xuyên suốt ở đó có đối tượng của Công ty Việt Á.

"Một vụ án độc lập có thể xét xử ngay nhưng nhiều vụ án mà xuyên suốt một đối tượng có liên quan thì cơ chế xét xử phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, công khai, công bằng, thấu tình đạt lý. Hơn nữa ở đây lại liên quan đến hệ thống điều tra ở cả Trung ương và địa phương nên không phải chuyện đơn giản", ông Yên nói.

Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất theo đề nghị của cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tố tụng Trung ương, quyết định cho lùi thời hạn kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý II và ban hành cáo trạng để truy tố, xét xử trong quý III.

Xung quanh vụ án đăng kiểm, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh vi phạm, sai phạm là có thật, liên quan trực tiếp đến Cục Đăng kiểm của Bộ GTVT. Đây cũng là những sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau.

"Tất nhiên giá trị tiêu cực tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn. Mỗi năm TNGT cướp đi 8.000-10.000 người, trong đó có lỗi của đăng kiểm", ông Yên khẳng định một mạng người chết vì TNGT cũng là hậu quả nghiêm trọng. Một lần nữa, ông tái khẳng định hậu quả vụ án đăng kiểm đối với xã hội là rất nặng nề.

Trong việc xử lý, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương khẳng định "sai phải xử", nhưng xử lý thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm của người dân, doanh nghiệp, không ảnh hướng đến lưu thông và phát triển kinh tế, xã hội.

Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao cơ quan chức năng bàn bạc để có giải pháp xử lý phù hợp nhất, thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng có liên quan trong vụ án.

"Cơ chế này đảm bảo người cần xử lý hình sự thì xử lý hình sự, người chưa cần xử lý hình sự thì xử lý bằng biện pháp khác, tạo điều kiện người làm công hưởng lương mà không chủ động hay cố ý hưởng lợi được tạo điều kiện thực hiện tiếp công việc đăng kiểm", ông Yên nói.

Ông cho biết VKSND Tối cao là cơ quan được giao chủ trì nghiên cứu tham mưu, ban hành cơ chế phân hóa xử lý tội phạm, đồng thời khẳng định nguyên tắc "có tội phải xử lý", nhưng có phân hóa để xử thấu tình đạt lý, sớm ổn định tình hình.

Xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu

Trước đó, thông tin về những điểm đáng lưu ý trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, các cơ quan đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực lớn, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức ở cả khu vực trong và ngoài Nhà nước, gây bức xúc dư luận.

Ông nhắc lại tại cuộc họp sáng nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá nhiều vụ án lớn, tồn đọng lâu được xử lý bài bản, thận trọng nhưng vẫn nhân văn, vừa thu hồi tài sản, vừa phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Không có chuyện bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và giấu ở đâu đó - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sáng 10/5 (Ảnh: TTXVN).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhấn mạnh thêm điểm mới là bên cạnh việc điều tra xử lý tội phạm, cơ quan chức năng kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở quan trọng.

Một điểm mới khác được ông Dũng chỉ ra trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ, đó là xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực được phân công phụ trách, qua đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ.

"Đây là cách làm rất mới, chưa có tiền lệ, thể hiện sự nghiêm minh nhưng nhân văn", ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, giúp khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Đặc biệt, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh. Trong đó, các cơ quan đã khởi tố điều tra 2 thiếu tướng nghỉ hưu của lực lượng công an, 2 cán bộ TAND và 1 cán bộ VKSND; 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 12 cán bộ thanh tra các địa phương...