Không có cả nước hỗ trợ, mất mát đau thương của TPHCM còn lớn đến mức nào!

Quang Phong

(Dân trí) - Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, từ đầu cầu TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, đợt dịch vừa qua TPHCM có hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong.

Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm cho sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

"Nhưng có thể thấy trong thời gian qua cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Chính phủ đã hành động rất quyết liệt, đề ra những giải pháp cơ bản sát với tình hình thực tế", bà Lam nói.

Theo bà Lam, do tác động của đại dịch, nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, bà Lam đề nghị Chính phủ cần rà soát để bổ sung các đối tượng yếu thế được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68.

Đại biểu đoàn Hậu Giang cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát có thêm các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đặc biệt là lao động tự do ngoài danh mục của các tỉnh.

Bà Lam đề nghị Chính phủ xây dựng phương án ứng phó với tình trạng người lao động rời khỏi các thành phố lớn. Đảm bảo an sinh xã hội ở các địa phương, khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút nguồn lao động về làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục lại năng suất.

Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị tăng nguồn ngân sách bố trí hàng năm cho ngành y tế; nghiên cứu đưa vaccine phòng chống dịch Covid-19 vào chương trình tiêm chủng quốc gia và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine trên toàn quốc.

Không có cả nước hỗ trợ, mất mát đau thương của TPHCM còn lớn đến mức nào! - 1

Đại dịch Covid-19 gây nên những mất mát vô cùng lớn cho thành phố lớn nhất nước (Ảnh minh họa: Hải Long).

Phát biểu tại đầu cầu TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho biết, đợt dịch vừa qua TPHCM có hơn 400 nghìn người nhiễm và gần 17 nghìn người tử vong. "Nếu không có sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương và nhân dân cả nước… thì không biết hậu quả mất mát, đau thương, còn nặng nề đến mức nào", bà Châu nói.

Qua bài phát biểu, đại biểu đoàn TPHCM cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng, hết sức, chí tình, chí nghĩa vừa qua để giúp vượt qua cơn đại dịch. Bà Châu cũng đề nghị Chính phủ tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng trong phòng chống dịch bệnh.

Theo đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang), năm 2021 diễn ra nhiều biến cố do dịch Covid-19 tái bùng phát, làm bào mòn sức chống chịu của dịch với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế có nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp.

Việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn linh hoạt sang trạng thái bình thường mới đang đặt ra vấn đề cần phải quan tâm giải quyết, người dân tiếp tục là chủ thể phải thích ứng, cần phải có giải pháp để nâng cao ý thức để người dân tự bảo vệ bản thân, cộng đồng.

Đại biểu đoàn Hậu Giang kiến nghị Chính phủ giải pháp căn cơ hơn trong phòng chống dịch để đất nước chuyển trạng thái bình thường mới. Cụ thể, Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể, chuẩn bị nguồn lực và con người để phòng dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Chính phủ cũng cần giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ cho lao động tự do từ nguồn ngân sách Trung ương…

Có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em bằng việc tiêm vaccine cho trẻ; tích cực nghiên cứu, phát triển vaccine, thuốc điều trị Covid-19. Huy động y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, nên áp dụng tương tự chi trả như cơ sở y tế công lập, những chi phí khác dựa trên minh bạch và sự tự nguyện của người dân.