Không chứng minh được nguồn tài sản “khủng” sẽ bị truy tố!
(Dân trí) - Bổ sung một số tội phạm tham nhũng, luật hóa một số tội theo Công ước chống tham nhũng như có thể bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được bằng nguồn nào có được tài sản đó thì cũng có tội; kê khai tài sản gian dối.
Sáng ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ông Cường làm rõ thêm nội dung đại biểu còn băn khoăn về việc ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Bộ trưởng Tư pháp cho biết, kết quả kiểm tra văn bản, theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, trong đó có 54 văn bản sai về nội dung, tuy nhiên không có văn bản nào vi hiến.
Ông Cường cho hay, tình hình xử lý 54 văn bản sai về nội dung, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi với các đơn vị ban hành, có 19 văn bản được sửa ngay nội dung trái pháp luật, không phù hợp hoặc không khả thi. Điển hình trong đó có Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thêm một số đối tượng ưu tiên cộng điểm và quy định cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
“Việc tiếp tục ban hành văn bản của các Bộ và cơ quan ngang Bộ sai về nội dung sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực, tôi nghĩ rằng là không thể chấp nhận được. Cũng cần phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tới đây, hàng tháng chúng tôi sẽ có báo cáo ra Chính phủ về tình hình ban hành văn bản, để Chính phủ xem xét, cho ý kiến”, ông Cường nói.
Không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị kết tội?
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, vừa qua cử tri rất hoan nghênh vì đã truy tố, xét xử rất nhiều đại án tham nhũng gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, trong đó chỉ riêng vụ Huyền Như đã 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri cũng rất buồn với việc thu hồi tài sản ở các vụ án là rất thấp, chỉ dưới 10%.
“Phần lớn còn lại đi đâu, phải chăng cứ đi tù là xong? Trước tình hình như vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa việc điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân. Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), quan điểm của Bộ trưởng về chính sách hình sự với vấn đề này thế nào cho nghiêm minh, chẳng hạn như bổ sung vào luật hình phạt tù suốt đời để sống mà trả tiền chứ không phải đi tù, tử hình là xong”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, sẽ luật hóa một số tội theo Công ước chống tham nhũng (Ảnh: Việt Hưng)
Ngoài ra, ông Cường chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên còn do sự cắt khúc rất nghiêm trọng trong tố tụng hình sự hiện nay: điều tra cắt khúc, truy tố cắt khúc, đưa ra tòa án cắt khúc. Đặc biệt, thi hành án dân sự lại tách rời khỏi quyền lực của cơ quan tư pháp. “Cũng có lý do, chấp hành viên chưa làm hết trách nhiệm xác minh tài sản thi hành án và cũng có lý do thi hành án theo quy định của luật trong nhiều trường hợp phải theo đơn yêu cầu mới thi hánh án”, ông Cường nói thêm.
Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Cường cho biết, đang nghiên cứu đề xuất để cùng với Hiến pháp mới sẽ hoàn thiện thể chế, trong đó có việc làm sao để kết nối liên thông giữa cơ quan thi hành án dân sự ngay từ đầu với điều tra, truy tố, xét xử, nhất là áp dụng các biện pháp khẩn cấp kê biên tài sản, phong tỏa tài sản…
Liên quan đến tội tham nhũng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, ban soạn thảo (Bộ Luật Hình sự sửa đổi) đã có ý kiến, Ban Nội chính Trung ương cũng đã làm việc về vấn đề này theo hướng bổ sung một số tội phạm tham nhũng, luật hóa một số tội theo Công ước chống tham nhũng như có thể bổ sung tội làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được bằng nguồn nào có được tài sản đó thì cũng có tội; kê khai tài sản gian dối.
Kết lại phần chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Bộ trưởng trả lời đầy đủ, khá rõ ràng, tuy nhiên về trách nhiệm phần nào còn lúng túng. “Trong phiên họp này Quốc hội và đại biểu còn lo lắng rằng, hệ thống pháp luật có nhiều vấn đề như công tác xây dựng chương trình làm luật, công tác triển khai thực hiện pháp luật, từ cơ quan nhà nước tới nhân dân còn nhiều tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục trong thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Quang Phong