1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đại án tham nhũng: “Cứ đi tù, tử hình là xong?”

(Dân trí) - “Cử tri rất hoan nghênh việc xử lý hàng loạt đại án kinh tế tham nhũng. Nhưng họ cũng rất buồn vì việc thu hồi tài sản các vụ án rất thấp, chỉ dưới 10%. Phần lớn còn lại đi đâu, phải chăng cứ đi tù là xong?”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Chiều ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan đến ban hành văn bản pháp luật. Trong đó, đại biểu tập trung đề nghị ông Hà Hùng Cường làm rõ việc có lợi ích nhóm trong ban hành văn bản hay không. Đại biểu cũng đề nghị ông Cường cho biết quan điểm về việc thu hồi tài sản các “đại án” kinh tế tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn

Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Bộ tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của Bộ, ngành trong một số văn bản pháp luật hoặc có quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan công quyền, đẩy khó khăn cho người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng trên.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ông đã được hỏi và đã trả lời. Trước hết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn thông tư, thông tư liên tịch của các bộ giao cho pháp chế của các bộ thẩm định.

Theo ông Cường từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên thấy rằng quy trình làm rất chặt chẽ theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những nhiệm vụ thẩm định của Bộ Tư pháp là phải phát biểu ý kiến dự thảo đó có phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng hay không.

“Câu chuyện cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngành trong các văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra với quy trình như vậy, với kết quả như vậy. Tuy nhiên đứng từ phía nào để nhìn xem lợi ích nhóm như hôm qua đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói câu chuyện giá xăng dầu, tôi nghĩ có thể mỗi cách nhìn khác nhau”, ông Cường nói.

Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao, bộ này cũng có trách nhiệm kiểm tra văn bản của các bộ và cơ quan ngang bộ, nói cách khác là hậu kiểm. “Trong hậu kiểm đó với kết quả như đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã xem qua báo cáo của chúng tôi, thực tế trong nhiệm kỳ này lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cơ quan ở trong các văn bản của các bộ cũng chưa phải là vấn đề gì nổi lên”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm.

Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng nhiều văn bản hành chính hiện nay đang trở thành vấn nạn gây bức xúc cho nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo đại biểu để giải quyết được công việc doanh nghiệp, nhân dân phải tìm cách “bôi trơn”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định việc ban hành các văn bản không được trái với luật, pháp lệch, nghị định… và càng không được trái với Hiến pháp. Những vấn đề đại biểu nêu ra, ông Cường hứa sẽ kiểm tra cụ thể và gửi kết quả báo cáo lại sau. “Văn bản ra sai vừa rồi có nhiều dư luận cũng xin đại biểu thông cảm cho. Tuy nhiên, cũng có những văn bản ban hành rồi, nhưng cũng có những cái mới là dự thảo, lấy ý kiến nhận được phản ánh của dư luận họ đã tiếp thu, xử lý ngay”, ông Cường nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, vừa qua cử tri rất hoan nghênh vì đã truy tố, xét xử rất nhiều “đại án” kinh tế tham nhũng gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước, cho nhân dân, chỉ riêng vụ Huyền Như đã 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri cũng rất buồn với việc thu hồi tài sản ở các vụ án là rất thấp, chỉ dưới 10%.

“Phần lớn còn lại đi đâu, có phải chăng cứ đi tù là xong? Trước tình hình như vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì để kết nối giữa việc điều tra, truy tố xét xử với công tác thu hồi tài sản cho nhà nước và cho công dân. Với tư cách là Trưởng ban soạn thạo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) thì quan điểm của Bộ trưởng về chính sách hình sự với vấn đề này thế nào cho nghiêm minh, chẳng hạn như bổ sung vào luật hình phạt tù suốt đời để sống mà trả tiền chứ không phải đi tù, tử hình là xong”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị.

Sau phần chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương, Quốc hội nghỉ, sáng ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ tiếp tục trả lời.

Quang Phong