Không cho xe rác chạy xuyên tâm thành phố?
(Dân trí) - Tình trạng xe chở rác chạy vào khu vực trung tâm thành phố, nhất là lúc kẹt xe khiến người đi đường chịu không nổi mùi hôi. Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM kiến nghị không nên cho xe vận chuyển rác chạy xuyên tâm thành phố mà nên đi đường vành đai.
Ngày 18/5, UBND TPHCM tổ chức họp sơ kết 2,5 năm thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.
Tại đây, đại diện UBND quận 2 cho biết việc vận động các đường dây thu gom rác dân lập chuyển đổi qua mô hình Hợp tác xã (HTX) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Năm 2018, quận 2 chỉ mới vận động được 2 chủ đường dây rác chuyển qua HTX. Trong khi đó, các đường dây rác dân lập khác đều than gặp khó khăn về nguồn vốn.
UBND quận 2 đã ra thông báo từ ngày 1/6 sẽ tịch thu những phương tiện vận chuyển không đảm bảo điều kiện lưu thông nhưng nhiều đường dây rác không đồng ý vì họ cho rằng không có điều kiện chuyển đổi phương tiện.
Đại diện UBND quận 3 cho biết, bên cạnh những bất cập trong công tác quản lý phương tiện thu gom rác dân lập thì ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân cũng chưa tốt. Ngay cả đường dây thu gom rác dân lập, các công nhân cũng nhận thức không đầy đủ về phân loại rác tại nguồn.
Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân cũng chia sẻ những bất cập và câu chuyện bi hài về đường dây thu gom rác dân lập. Theo ông, hầu hết lực lượng thu gom rác dân lập tại quận 4 đều không có hộ khẩu hoặc tạm trú tại quận.
Theo ông, đường dây rác dân lập được duy trì theo kiểu cha truyền con nối và cái khó của địa phương là vận động họ lấy rác đúng giờ. Nhiều khi họ bận việc hay ăn đám giỗ mà không đến lấy rác.
Cũng như các địa phương khác, quận 4 cũng gặp những khó khăn trong việc phân loại rác tại nguồn. Khi người dân phân loại rác rồi thì lực lượng thu gom rác lại đổ chung xe, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập.
Bên cạnh đó, ý thức đổ rác đúng giờ của người dân chưa tốt nên trên đường phố hầu như lúc nào cũng có bao rác gây mất mỹ quan đô thị, dù mỗi ngày xe thu rác đi tới mấy lần. Trong khi đó, từ 4-5 giờ sáng, người đi nhặt ve chai bới rác ra vương vãi đầy đường nên công nhân thu gom rác rất vất vả.
Trong khi đó, đại diện UBND quận 5 cho biết hiện một số đường dây rác dân lập đồng tình tham gia thu gom rác chung với dịch vụ công ích để thu gom, vận chuyển rác là dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, phương tiện thu gom rác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phân loại rác tại nguồn. Do đó, quận 5 đang xây dựng kế hoạch thu gom rác hữu cơ vào ngày chẵn và thu gom rác vô cơ vào ngày lẻ.
Tại quận 7, công tác vận động đường dây thu gom rác dân lập tham gia HTX hoặc chuyển đổi lên mô hình công ty để dễ tiếp cận nguồn vốn chuyển đổi phương tiện cũng gặp không ít khó khăn.
Đại diện UBND quận 7 cho biết, do nhiều dường dây rác nhỏ lẻ, có đường dây chỉ thu 100 hộ dân, nhiều người nhập cư, trình độ học vấn thấp, chữ nghĩa không rành nên việc chuyển đổi mô hình hoạt động gặp không ít khó khăn và xử lý cũng rất khó.
“Do người dân sử dụng 2 túi để phân biệt rác hữu cơ, vô cơ nên vận động đường dây rác tạm thời tách thùng xe rác làm đôi thì người ta cũng phản ứng là làm như thế nào và tiền đâu mà làm”, đại diện UBND quận 7 nói. Theo ông, ngay cả việc vận động các đường dây rác liên kết để hỗ trợ nhau thì họ hợp tác cũng rất hạn chế.
Đại diện công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP cho biết hệ thống thu gom rác dân lập hình thành trước 1975. Tuy nhiên, hiện nay không có sự phối hợp đồng bộ giữa lực lượng này với dịch vụ công ích thu gom rác nên có nhiều bất cập. Hai bên hẹn giờ thu gom mà không đúng thì tạo ra điểm “nóng” rác gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị.
Theo vị này, chủ đường dây rác được vận động vào HTX cũng không vào, mở công ty không mở. Nếu không gỡ được vướng mắc này thì sẽ còn điểm rác ô nhiễm, xảy ra tình trạng chẳng ai lấy rác. UBND TP nên có biện pháp, chủ trương thống nhất quản lý rác dân lập.
Vị này kiến nghị: “Không nên cho xe chở rác chạy xuyên tâm qua thành phố, nhiều lúc kẹt xe đứng giữa đường, người dân chịu không nổi với mùi hôi từ xe vận chuyển rác. Phải sửa lại lộ trình di chuyển, dù tốn kém cũng phải làm để đảm bảo mỹ quan đô thị”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các địa phương, chủ trì xử lý việc phân loại, thu gom và vận chuyển rác. Theo đó, phải xây dựng hình thức và quy chế hoạt động của đường dây thu gom rác dân lập để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn.
Quốc Anh