Không chỉ có 2 doanh nghiệp nhập khẩu xăng pha aceton
Xăng chứa aceton đang được bán tràn lan tại nhiều tỉnh thành phía Nam và “thủ phạm” không chỉ có hai đơn vị được điểm tên (Petrolimex Sài Gòn và Công ty Xăng dầu Quân đội)...
Theo tin từ Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VPBVNTD) vào tối 12/9, đơn vị này đã có kết quả khảo sát ban đầu về tình trạng kinh doanh xăng chứa aceton tại 5 tỉnh, thành phố.
Kết quả khảo sát cho thấy xăng chứa aceton đang được bán tràn lan tại nhiều tỉnh thành và “thủ phạm” không chỉ có hai đơn vị được nêu trên.
Từ ngày 7-31/8, các cán bộ VPBVNTD đã tiến hành mua và thu thập gần 100 mẫu xăng loại A90, A92, A95 tại các cây xăng bán lẻ ở 5 tỉnh, thành phố là Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang và TPHCM với mục đích ban đầu là xác định các tiêu chí phân loại cấp hạng theo tiêu chuẩn hiện hành.
Sau khi vụ nhập khẩu và kinh doanh xăng chứa aceton bị dư luận phát hiện, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, VPBVNTD đã gửi 28 mẫu xăng lấy được tại các địa phương cho Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) đề nghị phân tích.
Kết quả phân tích của Trung tâm 3 gửi VPBVNTD vào tối 12/9 cho thấy có 9/28 mẫu xăng bán ở cả 5 địa phương trên có chứa aceton với hàm lượng khá cao.
Cụ thể: Trong 6 mẫu xăng lấy tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 4 mẫu xăng A92 và 1 mẫu A95 (chiếm hơn 83%) chứa aceton với hàm lượng chiếm từ 1,2% đến 2,1% khối lượng (trong đó hàm lượng aceton có trong mẫu xăng A95 là 1,5%). Có 1 trong 7 mẫu xăng A92 lấy tại tỉnh Bến Tre có hàm lượng aceton là 1,51%.
Kết quả phân tích 5 mẫu xăng A92 mua tại Kiên Giang có 1 mẫu chứa aceton, hàm lượng 0,15%. Kiểm tra 6 mẫu xăng lấy tại tỉnh Tây Ninh có 1 mẫu xăng A92 chứa aceton với hàm lượng 2,3% khối lượng. Riêng tại TPHCM, VPBVNTD đưa phân tích 4 mẫu xăng A95 thì có 1 mẫu chứa aceton với hàm lượng 0,22%.
Số mẫu xăng trên là của những doanh nghiệp nhập khẩu nào? Theo VPBVNTD, các mẫu xăng A92 chứa aceton lấy ở hai tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu là do các trạm xăng treo biển PDC (tức công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ) bán ra.
Mẫu xăng A92 chứa aceton lấy tại Kiên Giang là do một cửa hàng xăng dầu treo biển của Saigon Petro, còn mẫu xăng A92 chứa aceton lấy tại Bến Tre do một cửa hàng treo biển Petro Mekong bán.
Các mẫu xăng A95 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM phát hiện có aceton là của các cửa hàng treo biển Petrolimex. PDC, Saigon Petro, Petro Mekông và Petrolimex.
Một cán bộ VPBVNTD nhận định: Nếu đơn vị được tài trợ thêm kinh phí phân tích (khoảng 2,5 triệu đồng/mẫu) để giám định toàn bộ số mẫu lấy được, chắc chắn con số mẫu xăng chứa aceton mà các đơn vị đang “vô tư” bán cho người tiêu dùng sẽ không dừng lại ở con số trên.
Dự kiến, các kết quả khảo sát còn lại nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng sẽ được công bố ngay trong tháng 9/2006.
Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Theo lãnh đạo một công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối (đề nghị giấu tên), TPHCM là một trong những địa phương có chế độ kiểm tra tương đối nghiêm ngặt hàng hóa nhập khẩu trước khi cho thông quan nên đã “tình cờ” phát hiện được hiện tượng lạ: Có aceton trong xăng.
Sau khi xăng chứa aceton được VPBVNTD phát hiện khá phổ biến tại một số địa phương, một trong những băn khoăn lớn nhất là chế độ kiểm tra chất lượng xăng dầu trước khi nhập khẩu ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và ĐBSCL ra sao; Số xăng chứa aceton nói trên xuất phát từ TPHCM hay nhập khẩu trực tiếp thông quan qua cửa khẩu các tỉnh?
Ngoài ra, sau khi xăng chứa aceton chính thức được phát hiện tại TPHCM, những mẫu xăng lưu (phải thực hiện theo thông lệ quốc tế và quy định đối với hàng hóa nhập khẩu) của các lô hàng đã nhập khẩu qua các cảng khác có được kiểm tra, đối chiếu nhằm sớm ngăn chặn (nếu có aceton) hay không?
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần được thông tin đầy đủ về việc xăng pha aceton đã có tại Việt Nam từ khi nào, còn nguồn cung cấp nào ngoài công ty Glencore (Singapore) và đối tác Hàn Quốc - điều mà mới chỉ có Petrolimex và công ty Xăng dầu Quân đội mới đây đã buộc phải công bố sau khi bán xăng chứa aceton và gây thiệt hại không nhỏ cho các khách hàng.
“Theo các quy định rất chặt chẽ về XNK, các mẫu xăng đều được lấy và lưu kể từ lúc lô hàng chuẩn bị rời nhà máy sản xuất cho đến khi cung nhập vào lưu kho của doanh nghiệp nhập khẩu. Phân tích các mẫu xăng lưu này và tiến hành đối chiếu thì việc phát hiện aceton được pha trong xăng từ khi nào, ai pha và ai chịu trách nhiệm… là không khó. Chỉ khó là, những đơn vị, cá nhân có liên quan có muốn làm hay không” - Vị cán bộ này nói.
Theo Huy Thịnh
Báo Tiền phong