1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khống chế lương cán bộ để giảm chênh lệch với lương người lao động

(Dân trí) - Một số chính sách bổ sung để khắc phục những bất hợp lý về tiền lương được triển khai theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ được xét nâng bậc lương trước thời hạn, không chế lương với viên chức làm công tác quản lý để chống chênh lệch quá lớn với người lao động.

Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo giải trình bổ sung về việc triển khai sửa đổi, bổ sung một số chính sách cần thiết để có thể điều chỉnh sớm nhằm khắc phục bất hợp lý trong chính sách tiền lương hiện hành.

Về việc điều chỉnh lương tối thiểu, đối với khu vực doanh nghiệp, năm 2013 chỉ tăng hợp lý, do dự báo sang năm vẫn còn nhiều khó khăn và căn cứ thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay. Hai năm tiếp theo, Chính phủ nêu quan điểm cần điều chỉnh mức tăng lớn hơn để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động vào năm 2015.

Với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mức điều chỉnh thấp hơn phương án đã được Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị TƯ 5 (chỉ tăng thêm 9,5%, tương đương 100.000 đồng thay vì 23,8%, tương đương mức 300.000 đồng theo kế hoạch). Mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng và 25% phụ cấp công vụ sẽ được áp dụng từ 1/7/2013.
 
Mức tăng này tuy chưa đáp ứng được yêu cầu song vẫn được đánh giá là đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc cải thiện đời sống của người hưởng lương và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
 
Khống chế lương cán bộ để giảm chênh lệch với lương người lao động

Về việc sửa đổi chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ gửi lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung và sẽ quyết định trong tháng 12/2012. Chính phủ yêu cầu sửa Nghị định số 204 năm 2004 với 3 nội dung.

Trước hết, Chính phủ quyết định nâng tỷ lệ từ 5% lên 10% cán bộ công chức viên chức được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ hàng năm (thực hiện từ 2012). Bổ sung quy định về nâng lương đối với sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Bổ sung đối tượng được áp dụng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ công chức viên chức trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Nội vụ cũng sẽ sửa quy định, khoán số lượng chức danh và khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; sửa đổi việc xếp lương đối với chủ tịch hội cựu chiến binh cấp xã…

Vấn đề tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế sớm xây dựng giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường, theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặt hàng giao nhiệm vụ cụ thể.

Tiền lương đối với các loại hình doanh nghiệp sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2013. Cơ chế này đảm bảo từng bước thực hiện tiền lương theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước, gắn tiền lương với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hướng đổi mới cũng nhằm khắc phục sự chênh lệch quá lớn tiền lương giữa viên chức quản lý với người lao động, giữa các ngành, tăng cường giám sát trong nội bộ doanh nghiệp, quản lý, kiểm tra giám sát của chủ sở hữu với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo dự thảo nghị định về nội dung này, đối với người lao động, doanh nghiệp tự xây dựng thang bảng lương theo nguyên tắc chung do Nhà nước quy định, xác định tiền lương khuyến khích trả lương thỏa đáng với đối với người lao động có trình độ cao (không khống chế mức tối đa).

Với viên chức quản lý, Nhà nước quy định mức lương cơ bản, việc trả lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả điều hành doanh nghiệp, có khống chế mức tối đa. Trường hợp không có hiệu quả thì chỉ được hưởng mức lương theo chế độ (hệ số lương nhân với mức tối thiểu).

Liên quan đến các đối tượng khác, báo cáo cho biết, Chính phủ sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng thêm 9,5% từ ngày 1/7/2013.

Cũng từ thời điểm này, khoảng 7 triệu người (chưa kể quân đội và người lao động trong khu vực doanh nghiệp) được điều chỉnh tiền lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Dự kiến ngân sách nhà nước tăng thêm dành cho việc này là 21.700 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình - người thừa ủy quyền Thủ tướng - ký báo cáo cũng cho hay, hiện đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đến năm 2020 đang được khẩn trương xây dựng.

P.Thảo