Khống chế giá trần, hãng hàng không càng bay nhiều càng lỗ?
(Dân trí) - “Trước Tết Âm lịch, chiều từ Nam ra Bắc có nhu cầu cao trong khi chiều từ Bắc vào Nam lại rất thấp. Vì sự khống chế của giá vé, trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi bay càng nhiều càng lỗ” - ông Dương Trí Thành - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Hôm qua (19/3), lần đầu tiên Cục Hàng không Việt Nam đứng ra tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không. Ngoài các hãng bay, tham dự hội nghị còn có các doanh nghiệp khai thác cảng, các đơn vị phục vụ mặt đất.
Ông Dương Trí Thành - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, thị trường hàng không nội địa hiện không còn tình trạng khai thác độc quyền trên các đường bay có dung lượng lớn, trong khi đó, ở các giai đoạn cao điểm, tính cao điểm lại thường chỉ trên một chiều.
“Trước Tết Âm lịch, chiều từ Nam ra Bắc có nhu cầu cao trong khi chiều từ Bắc vào Nam rất thấp. Điều này làm hệ số ghế chuyến bay khứ hồi trong giai đoạn cao điểm lệch đầu, thậm chí thấp hơn giai đoạn bình thường. Vì sự khống chế của giá vé, trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi bay càng nhiều càng lỗ” - ông Thành nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines nêu lên đề xuất xoá bỏ giá trần vé máy bay nội địa đối với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên, bởi điều này không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam nói chung.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải - cho rằng, trần máy bay được áp dụng với những đường bay nội địa có độc quyền. Mà độc quyền hay không thì lại phải căn cứ theo Luật Cạnh tranh.
“Nếu một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trở lên thì đã gọi là độc quyền, 2 doanh nghiệp cộng vào với nhau trên 50% thì đã gọi là độc quyền” - đại diện Vụ Vận tải khẳng định.
Trên thực tế, thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia của 4 hãng hàng không khai thác bay thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm 60% thị phần, Vietjet Air chiếm 30% thị phần và 10% thị phần còn lại chia cho các hãng khác.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air - cho biết, do là hãng hàng không “sinh sau đẻ muộn” nên hãng hoàn toàn không có mặt bằng tại các sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất, không có công ty cung ứng trực thuộc hãng.
“Vietjet Air là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ dịch vụ cung ứng tại sân bay và các cảng hàng không đều không do hãng cung cấp. Chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của chúng tôi tại các cảng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền…” - ông Tâm nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, đại diện Vietjet đề nghị các công ty dịch vụ mặt đất tạo điều kiện cho Vietjet cùng tham gia trong khâu tuyển chọn những nhân viên phục vụ cho chuyến bay của VietJet, đồng thời phát động chương trình khen thưởng, khích lệ trực tiếp tới các cá nhân nhân viên phục vụ tốt khách hàng cũng như có quyền được đề nghị kỷ luật thay thế nhân viên nếu có vi phạm về tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng.
Một khó khăn khác được hãng bay nêu ra tại Hội nghị này là giá nhiên liệu hàng không. Theo số liệu chung của Hiệp hội các hãng Hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), chi phí nhiên liệu chiếm tới 35,3% tổng chi phí. Tuy nhiên, ở mỗi một hãng, tùy vào cách thức kinh doanh mà tỷ lệ chi phí có thể khác nhau, nhưng về cơ bản chi phí nguyên liệu xê dịch từ 35-45%, tiếp đó là chi phí cho tàu bay (bao gồm chi phí đầu tư tàu bay và chi phí bảo dưỡng) cũng chiếm một phần lớn, dao động từ 12-20%.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Jetstar Pacific - cho hay, 3 tháng đầu năm 2015 giá nhiên liệu bay (Jet A1) giảm sâu so với 2014, mức hiện nay khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu lại tăng lên 25%.
“Trong tình hình khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nộp thuế nhập khẩu nhiên liệu 25% là một gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không. Để tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ Jetstar Pacific và các hãng hàng không, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống còn 7%” - ông Hà kiến nghị.
Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện Bộ Tài chính đã có chủ trương tăng thuế môi trường từ 1000đ/lít lên 3000đ/lít, mức tăng này làm ảnh hưởng đến chi phí của Jetstar Pacific dự kiến trong năm 2015 là gần 150 tỷ đồng. Để giảm thiểu rủi ro cũng như hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn kính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cho phép hãng hãng hàng không đưa thuế môi trường này vào cơ cấu giá vé.
Châu Như Quỳnh