Không cảm tính trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Đảng
(Dân trí) - Thiết kế “chặt” hơn với quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của Đảng, giám sát Đảng; ghi nhận đầy đủ hơn, loại bỏ những hạn chế đối với quyền con người… là những nội dung trong dự thảo Hiến pháp nhận nhiều tranh luận tại Quốc hội ngày 3/6.
Thống nhất quan điểm hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 Hiến pháp, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thế Kỳ còn đề nghị quy định “chặt” hơn, nhấn mạnh “Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Nhấn mạnh chữ “duy nhất” kiến nghị bổ sung vào quy định, ông Kỳ cho rằng, đây là tiền đề phù hợp với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thành lập, tham gia các đảng phái chính trị, tiến hành hoạt động chống phá trong thời đại mới.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định thêm sự tán thành của cá nhân ông về Điều 4 “không phải là cảm tính một chiều mà dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến "bận rộn" trao đổi trong giờ nghỉ. (Ảnh: Việt Hưng)
Ông Học cũng phán đoán, tuyệt đại đa số nhân dân đều khẳng định sự nhất trí tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4. Những ý kiến không “thuận” chỉ là số rất ít. “Một khi nhân dân đã lựa chọn suy tôn Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất của mình, nhân dân yêu cầu phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp thì đây là sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của những người làm chủ, cần được ghi nhận tôn trọng” – ông Học phát biểu.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận thực tế, trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân đạt được trên tất cả các lĩnh vực, không thể phủ nhận là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Nhưng qua tiếp xúc cử tri, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) phân tích, trên thực tiễn, nghị quyết của Đảng có hiệu lực và vị thế cao nhất đối với nhà nước và xã hội, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành. Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật.
Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể. Bà Huệ dẫn chứng, trong Điều lệ Đảng có quy định, có quy chế để điều chỉnh, xem xét, xử lý các vấn đề trên. Nhưng đó là việc nội bộ của Đảng, vì vậy người dân khó có ý kiến vào công việc nội bộ của Đảng.
Bà Huệ đề nghị bổ sung quy định “Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vào điều 4 để thể hiện trách nhiệm của Đảng trước những quyết định của mình, đồng thời làm cơ sở để nhân dân giám sát”.
Vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị xem lại quy định thiết kế trong chương này vì cho rằng các quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp có luật khó khả thi. Ông Châu chỉ rõ, không thể quy định hết tất cả các quyền con người trong Hiến pháp và luật. Quy định được đưa ra trong dự thảo luật, theo ông Châu, chỉ đúng với quyền công dân mà thôi.
Ngoài ra, đại biểu đặt vấn đề, nếu quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể hạn chế mức độ cần thiết trong trường hợp cần thiết, trong trường hợp khẩn cấp cũng không đúng. Ông Châu dẫn chứng, trong thực tế tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và từng thời kỳ nhất định mà nhà nước cho phép hay hạn chế việc thực hiện quyền con người, quyền công dân chứ không phải chỉ là trong trường hợp khẩn cấp như trong dự thảo.
Ông Châu ví dụ, quyền tự do cư trú quy định tại Điều 24 của dự thảo có thể bị hạn chế theo quy định của Luật Cư trú với các điều kiện đều không phải là trong trường hợp khẩn cấp. Hay quyền tự do kinh doanh (Điều 34), trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nội dung cụ thể nêu rõ một chủ thể có thể bị hạn chế quyền này do không đáp ứng được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ đâu phải bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp.
Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) cho rằng quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân là một địa vị pháp lý được Hiến định và pháp luật quy định. Nhưng quyền con người là quyền tự nhiên có thể mỗi người đều sinh ra thì có quyền tự nhiên này.
Ông Tư cũng đề nghị tách bạch 2 nội hàm quyền con người và quyền công dân bởi một người có thể mất quyền công dân nhưng mà quyền con người đương nhiên ta phải có. Quyền con người không ai có thể xâm phạm được. Đề nghị tách biệt khái niệm để mỗi người dân tiếp cận đều biết quyền của mình ở đâu, khi nào, quyền gì bị hạn chế và quyền gì không thể bị hạn chế.
Vấn đề chính quyền địa phương nhận được sự quan tâm của hầu hết các đại biểu Quốc hội và ý kiến vẫn còn khác nhau. Khi thảo luận tại tổ về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. Nhưng với phương án 1 tuy đổi tên là chính quyền địa phương nhưng không chỉ rõ chính quyền địa phương là ai, rất không đầy đủ, nội dung sơ sài. Vì thế chỉ có thể chọn phương án 2, nhưng phương án 2 thực chất là giữ nguyên như hiện nay.
Đại biểu Lê Văn Tấn (Hà Nam) tán thành phương án 1 khi cho rằng, chính quyền cơ sở rất quan trọng nhưng hoạt động còn hạn chế. HĐND nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả. Việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện chưa được tổng kết. Chính quyền đô thị và nông thôn khác nhau. Chính vì vậy Hiến pháp lần này chưa cần phải quy định rõ các mô hình.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) lại chọn phương án 2 khi đề nghị giữ nguyên như hiện hành vì thời gian vừa qua thí điểm bỏ HĐND quận huyện nhưng chưa có tổng kết.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ - cũng quan niệm, thiết chế HĐND và UBND phải là thiết chế đồng cấp, có quan hệ mật thiết với nhau, ở đâu có UBND phải có HĐND. “Đồng ý quan điểm mô hình chính quyền địa phương giữ nguyên như hiện nay, những nơi đặc thù thì có thể theo luật định” - ông Khánh nêu rõ.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng) nêu vấn đề đã 5 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nhưng chưa có tổng kết. Điều đó chứng tỏ vấn đề rất phức tạp, nhân dân ở những nơi đó cũng băn khoăn. Các tỉnh thành thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên như hiện nay, ở đâu có cơ quan hành chính thì có cơ quan giám sát. Theo ông, nếu bỏ HĐND thì ai là người đại diện cho nhân dân, ai giám sát cơ quan hành chính. Nếu do đại biểu HĐND tỉnh làm thay thì đó là phi thực tế.
Về cả mặt thực tế và lý luận hiện nay, theo đại biểu, đều chưa thể giải quyết điều này. Cả nhân dân, nhiều cán bộ, chuyên gia đã phản biện về việc thí điểm bỏ HĐND trong thời gian qua. Việc tổng kết việc thí điểm đang có dấu hiệu quy chụp, không khách quan, nếu nói bỏ HĐND là giảm bộ máy, giảm tham nhũng, vậy chứng minh đi? HĐND gần dân, đại diện cho nhân dân, hiểu dân, góp phần đem lại lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Đây chính là cái được lớn nhất của chế độ ta, Nhà nước ta, cần được ghi nhận một cách đúng đắn.
“Dĩ nhiên, có một số nơi HĐND hoạt động hình thức, không hiệu quả, đó là do cách tổ chức hoạt động kém vấn đề. Đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Không thể vì một số nơi hoạt động kém hiệu quả mà xóa bỏ HĐND, làm mất đi chỗ dựa tin cậy của nhân dân” - ông Nghĩa thẳng thắn.