Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ bí quyết kỳ tích xây dựng Nông thôn mới:
“Không ai được phép đứng ngoài cuộc”
(Dân trí) - Từ một tỉnh nghèo, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, chỉ trong một thời gian ngắn Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành một trong những trọng điểm kinh tế của miền Trung, được Chủ tịch nước Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Nhân đầu năm mới, phóng viên Báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
“Không ai được phép đứng ngoài cuộc”
PV: Được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng Nông thôn mới là một vinh dự cho tỉnh nhà. Theo ông thì vì sao Hà Tĩnh được vinh dự nhận phần thưởng này?
Có thể nói, nhìn lại những gì mà chúng tôi đạt được hôm nay so với năm 2010 khi chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) được triển khai, đó quả là một kết quả vượt bậc mà trước hét, đó là thành tựu của nhân dân và sức mạnh ở nhân dân
Năm 2010, thu nhập của người dân Hà Tĩnh còn rất thấp, chưa đầy 12 triệu đồng/người/năm. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ đạt 4,1 tiêu chí, không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí nhưng lại có đến 120 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Sau 5 năm thực hiện, đến nay đã cho kết quả khá cao và toàn diện.
Việc được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vừa qua không chỉ là sự ghi nhận mà còn là nguồn động viên to lớn đối với đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh chúng tôi, một tỉnh có điểm xuất phát ban đầu rất thấp.
Theo ông nói thì xuất phát điểm của Hà Tĩnh khi đó rất thấp, vậy đâu là bí quyết giúp Hà Tĩnh thành công như hôm nay?
Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng và kiên quyết: “Không ai được phép đứng ngoài cuộc chương trình xây dựng NTM”. Vì thế, trong 5 năm triển khai xây dựng NTM là 5 năm cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách hết sức quyết liệt. Không chỉ trong ngày làm việc, mà ngay cả ngày nghỉ cuối tuần, lãnh đạo từ cấp cao nhất của tỉnh đều về cơ sở nắm tình hình, phối hợp, giúp đỡ chính quyền và người dân tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Chương trình “Ngày thứ 7 nông thôn mới” được hình thành từ đó. Bất cứ cán bộ nào lơ là, thiếu trách nhiệm, tùy theo mức độ, chúng tôi đều xử lí kiên quyết.
Tinh thần quyết tâm là một chuyện nhưng còn phương pháp, thưa ông?
Một mặt, chúng tôi tập trung tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách đa dạng và luôn có sự đổi mới để phong trào đi vào chiều sâu.
Mặt khác, chúng tôi đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn sản xuất, đến nay tổng doanh số cho vay trên 2.000 tỷ đồng cho trên 22.000 khách hàng, số tiền hỗ trợ cũng đạt gần 80 tỷ đồng. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của Ngân hàng NN-PTNT , một đơn vị luôn đứng hàng đầu trong việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất.
Ngoài ra, chúng tôi còn vận động các tổ chức, cá nhân đỡ đầu, tài trợ, hỗ trợ giúp người dân, địa phương trong phong trào này.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, phục vụ
Ngay từ đầu, ông đã khẳng định thành tựu này thuộc về sức mạnh của nhân dân. Câu nói này không mới, vì vậy, xin ông cho biết “sức dân” cụ thể ở đây là những gì?
Khi xây dựng thí điểm tại xã Gia Phố (Hương Khê), cán bộ và nhân dân xem đây là dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng nên kết quả đạt được không như mong muốn, bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó tư tưởng trông chờ, ỷ lại là rất rõ. Trước tình hình đó, chúng tôi hiểu rằng phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức nếu không muốn thất bại.
Vì thế, chúng tôi nỗ lực tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức được xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống mới cho mình, vì mình và con cháu mình để cùng có trách nhiệm.
Vâng, nhưng người dân ngoài “trách nhiệm” thì họ có quyền gì không hay chỉ có “trách nhiệm”?
Chúng tôi chủ trương phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, trao quyền tối đa cho người dân, công khai minh bạch. Những việc nào dân làm được để cho dân làm, Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ và phục vụ.
Chẳng hạn như với phong trào làm đường giao thông nông thôn hay thủy lợi nội đồng, người dân tự đứng ra tổ chức bàn bạc, tính toán cần bao nhiêu xi măng, ngày công, tiền công giải phóng mặt bằng, vật liệu để trên cơ sở đó, nhà nước hỗ trợ.
Bằng cách này, tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã dần được đẩy lùi, sự tự giác ngày càng rõ nét. Các phong trào thi đua phát triển kinh tế, làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, vệ sinh môi trường, văn hóa… phát triển rầm rộ.
Có thể nói chưa bao giờ tại Hà Tĩnh xuất hiện phong trào hiến đất làm đường, hiến đất xây dựng hội quán và các công trình dân sinh khác mạnh như 5 năm qua. Và cũng chưa khi nào đất cát bạc màu dọc bờ biển bỏ hoang, những khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông chỉ trồng cây tạp theo lối tự cung tự cấp, những quả đồi trơ trọc được đánh thức mạnh mẽ đến như vậy.
“Nông thôn mới kiểu mẫu” - Một mô hình mới
Được biết, ngoài 19 tiêu chí quy định về xây dựng NTM, Hà Tĩnh còn đột phá nâng tiêu chí, xây dựng thêm Khu dân cư NTM kiểu mẫu…?
Theo suy nghĩ của chúng tôi, những tiêu chí về nông thôn mới tuy rất tốt nhưng suy cho cùng vẫn là nâng cao đời sống kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng cho người dân. Nhưng làm được điều đó rồi mà diện mạo các làng quê vẫn còn tình trạng thiếu quy hoạch, thiếu không gian, nhem nhuốc, luộm thuộm và nhất là con tồn tại những hành vi ứng xử thiếu văn minh thì chưa được. Vì thế chúng tôi đặt ra quyết tâm xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, khu vườn mẫu, gia đình mẫu để làm mô hình điểm.
Tiêu chuẩn của NTM kiểu mẫu là gì? Công việc đã tiến hành đến đâu, thưa ông?
Khu dân cư kiểu mẫu phải đạt các tiêu chí như xanh - sạch - đẹp – sáng, trong đó mỗi con người phải biết ứng xử có văn hóa, biết sắp xếp bố trí đồ đạc ngăn nắp, vườn cảnh quan, kinh tế, môi trường xanh - sạch - đẹp.
Ban đầu chúng tôi chọn 5 thôn là Châu Nội (Tùng Ảnh), Nam Trà (Hương Trà), Tân An (Cẩm Bình), Mỹ Triều (Thạch Tân), Bằng Châu (Thạch Châu) để làm thí điểm. Đến nay toàn tỉnh đã có 480 Khu dân cư NTM kiểu mẫu, trên 900 vườn mẫu thiết thực góp phần nâng cao đời sống, tạo ra diện mạo mới ở nhiều địa phương trên khắp tỉnh.
PV: Một câu hỏi cuối dành cho cá nhân ông. Hình như bất kỳ người lãnh đạo nào khi đảm nhận chức vụ mới cũng đều muốn tạo dấu ấn của mình. Với ông thì sao?
Đây là một câu hỏi rất thú vị, cũng đã có nhiều người hỏi tôi về điều này. Được Đảng và nhân dân tin tưởng, bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, tôi thực sự rất vinh dự, tự hào, nhưng đồng thời tôi cũng ý thức sâu sắc, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Trong mỗi con người ai cũng có “bản ngã”, cái tôi riêng mình và tôi cũng không ngoại lệ nên thật dễ hiểu trong cuộc sống, trong công việc, bất kỳ ai cũng luôn muốn tạo dựng được một nét riêng, nét khác biệt. Nhưng sẽ là một sai lầm khi chỉ vì cái riêng của mình mà phá vỡ cả một tổng thể đang đi đúng hướng, đang phát triển tốt đẹp trước đó.
Tôi đã nói rất nhiều lần và nó cũng đã thể hiện trong thực tiễn công việc, nguyên tắc làm việc của tôi là biết kế thừa để ổn định, tìm sáng tạo để phát triển và nhiệm vụ xuyên suốt của tỉnh là đoàn kết, sáng tạo, kế thừa thành quả, tìm động lực mới để vượt qua thách thức để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, đó là chủ đề hành động của tôi.
Về mục tiêu của cá nhân tôi trong 5 năm tới là đưa hết trí tuệ để cùng với Đảng bộ, chính quyền nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị, duy trì đà phát triển kinh tế nằm trong tốp các địa phương phát triển nhanh, bền vững của cả nước trong nhiệm kỳ qua, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tôi nghĩ đó sẽ là thước đo cao nhất cho năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh trong đó có tôi trong nhiệm kỳ này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và thân tình này!
Văn Dũng (thực hiện)