1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

Khốn khổ “nhà mặt phố”

(Dân trí) - Tuy “mang tiếng” là nhà mặt phố nhưng để ra đường, họ phải đi qua những chiếc cầu tạm được chắp nối bằng những thanh gỗ xấu xí, không an toàn, bắc qua một con mương ô nhiễm, là một nhánh của sông Kim Ngưu.

Khốn khổ “nhà mặt phố” - 1

Xóm phố kinh doanh nhưng vắng hoe khách.

Đó là nỗi khổ của khoảng 20 hộ dân đang sinh sống và kinh doanh ở xóm cầu tạm thuộc phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

 

Những chiếc cầu gỗ bị mục nát có thể sập bất cứ lúc nào là nỗi lo lắng thường trực của người dân nơi đây bao lâu nay. Thực tế hai bên bờ và thành mương đã bị ăn mòn dần, đất đã lở; nhiều chỗ được cố định bằng cọc tre và tải chứa đất nhưng cũng không ăn thua.
 
Khốn khổ “nhà mặt phố” - 2
Những cây cầu tạm mục nát có thể sập bất cứ lúc nào.

 

Chị Hoàn, một người dân xóm cầu tạm cho biết: “Nhà tôi có hai đứa trẻ, suốt ngày tôi bắt chúng ở trong nhà vì sợ chúng mải chơi sẽ rơi xuống mương”.

 

Những chiếc cầu nối lại vô tình trở thành “rào cản” kinh doanh vì nhìn những cây cậu xập xệ như sắp gẫy, hiếm khách còn muốn vào mua hàng.
 
Khốn khổ “nhà mặt phố” - 3
Ống dẫn nước thải sinh hoạt của người dân chĩa tua tủa ra lòng mương.

 

Chưa kể đến con mương nhỏ ngày đêm bốc mùi khó chịu; vào những ngày nắng nóng như thế này, mùi hôi thối càng nồng nặc. “Dù nắng hay mưa, mùi hôi thối từ nước mương bốc lên khiến chúng tôi không chịu nổi”, anh T, một cư dân xóm cầu tạm bức xúc.

 

Khi chúng tôi tới đây, chứng kiến một công nhân vệ sinh đang dùng một chiếc vợt dài để vớt rác từ dưới lòng mương. Lòng mương nhỏ mà chứa đủ loại rác thải: hộp cơm, túi nilon, vỏ trái cây…
 
Khốn khổ “nhà mặt phố” - 4
Người công nhân vệ sinh này than có ngày anh phải vớt rác tới 8-9 lần.

 

Anh H, một công nhân vệ sinh, cho biết: “Một ngày bình quân tôi phải vớt rác dưới lòng mương tới 8 - 9 lần. Ở đây đủ các loại rác được người dân ném xuống. Có khi vớt được 15 phút lại có một  đống rác mới hình thành. Không hiểu ý thức người dân để đâu nữa”.

 

Bên bờ mương, một tấm biển được dựng với lời kêu gọi: “Vì môi trường trong sạch xin đừng vứt rác xuống mương”!

 

Văn Chương