Khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả
(Dân trí) - Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả, từ đó góp phần ngăn chặn hoạt động vận chuyển, lưu hành tiền giả từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi tới Bộ Tư pháp, tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có diễn biến phức tạp và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Cùng với sự phát triển của công nghệ sao chụp và xử lý hình ảnh, kỹ thuật làm tiền giả của tội phạm ngày càng tinh vi và giống tiền thật về hình thức.
Từ khi Quyết định số 130/2003 có hiệu lực đến nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã khởi tố hơn 1.000 vụ, bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng phạm tội về tiền giả góp phần ngăn chặn hoạt động vận chuyển, lưu hành tiền giả từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn tiền giả lưu hành trên thị trường.
Các đơn vị hải quan địa phương chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện và bắt giữ các đối tượng liên quan đến tiền giả qua biên giới. Các vụ việc do hải quan phát hiện được chuyển giao kịp thời cho lực lượng bộ đội biên phòng, cơ quan cảnh sát điều tra truy xét và xử lý theo quy định của pháp luật.
“Theo Bộ Công an, đến thời điểm hiện nay, nhiều tụ điểm buôn bán tiền giả đã được truy quét, các đường dây vận chuyển tiền giả từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ cơ bản đã bị triệt phá”- báo cáo cho hay.
Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản ánh, trong các hoạt động giao dịch tiền mặt cũng đã xuất hiện ngoại tệ giả. Người dân khi gặp phải ngoại tệ giả thường không giao nộp cho hệ thống ngân hàng mà tìm cách tiêu thụ. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, hệ thống ngân hàng không thể thực hiện thu giữ do chưa có văn bản pháp lý giao trách nhiệm cho các tổ chức này được phép thu giữ ngoại tệ giả.
Điều này gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân sử dụng ngoại tệ tiền mặt trong giao dịch, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan chức năng (cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cơ quan hải quan…) khi phát hiện các trường hợp vận chuyển, lưu hành ngoại tệ giả.
Bên cạnh đó, những năm gần đây xuất hiện “tiền giấy đồ chơi” là các ấn phẩm có in hình ảnh đồng tiền Việt Nam trên giấy cứng hoặc nền nhựa, được bày bán với tính chất như đồ chơi.
Một số nhóm cá nhân sản xuất, tiêu thụ tiền vàng mã có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam các loại mệnh giá đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước (như tiền vàng mã, tiền âm phủ mô phỏng theo mẫu tiền polymer, bao lì xì in hình ảnh đồng tiền Việt Nam…) gây nhầm lẫn, tạo ấn tượng không tốt về hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Với quy định hiện nay, các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn để xác định việc sản xuất tiền giấy đồ chơi, tiền vàng mã, tiền âm phủ mô phỏng theo mẫu tiền polymer… nêu trên có vi phạm pháp luật hay không và nếu vi phạm thì xử lý như thế nào?.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng đã tới lúc cấp thiết tổng kết việc thi hành, đánh giá lại các quy định của Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg để có phương án ban hành nghị định mới thay thế.
Trong nghị định mới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất bổ sung quy định về xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả, quy định về sao chụp hình ảnh đồng tiền Việt Nam và mở rộng trách nhiệm của lực lượng quân đội nhân dân trong công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát sinh.
Thế Kha