TPHCM
Khởi tố 3 cán bộ ngân hàng lừa đảo
Ngày 11/7, Công an TPHCM đã tiến hành khởi tố bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên trưởng Phòng Tín dụng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 8, về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”.
Cơ quan công an cũng khởi tố, thực hiện khám xét nơi ở và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đào Thị Thu Hiển và Nguyễn Huỳnh Thy Thảo, là những cán bộ tín dụng của ngân hàng.
Đã trả hết tiền nhưng nợ... vẫn còn!
Lợi dụng việc linh động giải quyết nhu cầu vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT 8, Nguyễn Thị Thu Hà cấu kết với Hiển và Thảo là cán bộ tín dụng (trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và đề xuất cho vay) ghi tăng số tiền trong hợp đồng xin vay của khách hàng để hưởng chênh lệch vào mục đích cá nhân.
Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT 8 tiến hành giải quyết cho vay theo phương thức trả lãi hằng tháng và trả gốc vào cuối kỳ vay với hạn mức tối đa là 400 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền vay cho các tiểu thương, các đối tượng trên lại lập sổ trả góp theo thời hạn 10 ngày/lần để thu tiền chia nhau sử dụng. Chính vì thế, số tiểu thương đã trả đủ tiền gốc lẫn lãi, thế nhưng đối chiếu với ngân hàng thì họ vẫn còn nợ tiền.
Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT 8 cũng ký hợp đồng với Ban Quản lý chợ Bình Tây mà Nguyễn Thị Thanh Thúy được cử làm đại diện giao dịch, phát mẫu hồ sơ vay tiền, thu hồi nợ... sau khi tìm được khách hàng có nhu cầu vay vốn và xác nhận tình trạng tài sản thế chấp (chủ quyền sạp). Bằng hình thức thu tiền trả góp trên, Hà thu được 1,146 tỉ đồng, Hiển thu được 513 triệu đồng, Thảo thu được 466 triệu đồng và Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng thu được 2,298 tỉ đồng, nhưng không nộp lại vào ngân hàng một đồng nào.
Lập 44 hồ sơ khống, vay 8,34 tỉ đồng
Là người bán hồ sơ cho vay tiền, Nguyễn Thị Thanh Thúy đã yêu cầu người vay tiền làm các thủ tục liên quan sau đó ghi số tiền cần vay vào giấy nháp đưa cho Thúy hoặc Hà, Hiển và Thảo để lập hồ sơ cho vay. Hà sẽ căn cứ vào diện tích của sạp thế chấp để định số tiền cho vay cao hơn số tiền khách có nhu cầu vay thực tế và đưa cho Hiển, Thảo làm các thủ tục để cho giám đốc ký duyệt.
Đến tháng 8/2003, khi số tiền vay theo phương thức mới được giải ngân, Hiển và Thảo thông báo cho người vay tiền đến nhận và giao cho số tiền thực tế họ xin vay. Số tiền chênh lệch, Hiển, Thảo giữ lại để đưa cho Hà sử dụng. Tổng cộng bọn chúng đã ghi tăng số tiền 5,305 tỉ đồng đưa cho Hà.
Ngoài ra, Hà còn chỉ đạo cho Hiển và Thảo lập khống các hồ sơ xin vay tiền bằng cách sử dụng các giấy chủ quyền sạp của khách hàng (đã trả hết tiền vay nhưng còn để tại ngân hàng). Các đối tượng trên lấy hồ sơ xin vay, giả chữ ký của khách hàng hoặc lợi dụng việc khách hàng đã ký khống vào hồ sơ xin vay tiền làm các thủ tục liên quan để được duyệt cho vay tiền. Tổng cộng, các đối tượng trên lập 44 hồ sơ với số tiền vay 8,34 tỉ đồng.
Theo Người lao động