1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khởi động chương trình làm sạch “điểm nóng” dioxin

(Dân trí) - Ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức giới thiệu chương trình “xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”.

Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân (Bộ Quốc phòng) - đơn vị chủ dự án - cho biết: Dự án “xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” là một dự án mà nhân dân và Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa kỳ mong muốn, đó là xử lý triệt để chất độc tồn dư sau chiến tranh để lại trên đất nước Việt Nam.
 
Hội thảo khởi động xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng
Hội thảo khởi động xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Theo đó, dự án này xử dụng công nghệ hấp thu nhiệt để xử lý và đã được Bộ Quốc phòng cùng USAID tổ chức hội thảo và xin ý kiến các cơ quan trong và ngoài quân đội, các nhà khoa học hai lần vào tháng 5 và 7/2012. Dự kiến Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức hội đồng thẩm định công nghệ giải hấp thu nhiệt để xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng vào tháng 11/2012.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển năng lực của Việt Nam trong xử lý dioxin và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ở các khu vực nhiểm bẩn đe dọa sức khỏe con người và môi trường.

Mục tiêu trước mắt là thực hiện việc xử lý và hỗ trợ quan trắc xử lý đất và bùn lắng nhiễm bẩn dioxin tại sân bay Đà Nẵng nhằm đảm bảo không còn rủi ro phơi nhiễm dioxin tới con người hay môi trường khu vực sân bay Đà Nẵng.

Nội dung chính của dự án bao gồm: Rà phá bom mìn, vật liệu nổ; thiết kế và đào xúc vận chuyển đất, bùn nhiễm dioxin về mố tập kết để xử lý; thiết kế và xử lý nhiệt khoảng 73 ngàm m3 bùn đất nhiễm dioxin với công nghệ mới nhất hiện nay; khôi phục cảnh quan môi trường những khu vực đã thực hiện dự án…

“Nếu dự án thực hiện thành công sẽ tạo ra 29ha đất sạch sử dụng cho mục đích kinh tế, thương mại và làm mất nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm dioxin cho nhân dân xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng. Dự án thành công sẽ là tiền đề để Chính phủ hai nước tiếp tục thực hiện công việc khắc phục hậu quả chất độc tồn dư sau chiến tranh ở các điểm nóng khác của Việt Nam như sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát (Bình Định)”, Thiếu tướng Lê Huy Vịnh phát biểu.
 
Khu vực sẽ được xử lý ô nhiễm dioxin
Khu vực sẽ được xử lý ô nhiễm dioxin

Sân bay Đà Nẵng được coi là một “điểm nóng” dioxin do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất nhiều thập kỷ sau khi số lượng lớn chất da cam được lưu giữ tại đây.

Về phương thức xử lý, theo USAID cho biết, dự án sẽ tiến hành trên tổng diện tích khoảng 165 ngàn m2 ở khu vực sân bay Đà Nẵng, đào xúc khoảng 73.000m3 đất và bùn nhiễm dioxin. Bùn đất ô nhiễm sẽ được đào xúc và đặt trong một kết cấu bể chứa tạm thời được xây dựng trên một khu đất trống trong sân bay. Sau đó bùn đất ô nhiễm sẽ được xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt. Với công nghệ này, bùn đất sẽ được làm nóng ở nhiệt độ cao tới mức dioxin bị phân hủy. Sau quá trình này, bùn đất đã qua xử lý sẽ được đưa ra khỏi kết cấu bể chứa và được kiểm tra để đảm bảo không còn ô nhiễm và sau đó được đưa vào san lấp tại chỗ để khôi phục môi trường.

Đại diện USAID cũng cho biết các biện pháp đảm bảo an toàn cũng sẽ được triển khai để loại trừ bất kỳ tác động nào đối với cộng đồng xung quanh. Các biện pháp đảm bảo an toàn sẽ bao gồm việc kiểm soát bụi, nước mưa chảy tràn bề mặt và hơi nước cùng hơi ẩm thoát ra. Các công nhân làm việc tại hiện trường sẽ được giám sát và phải mặc trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp. Mọi phương tiện làm việc ở những nơi ô nhiễm sẽ được khử nhiễm trước khi đi vào các khu vực sạch.

Dự án do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ với tổng vốn 41 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 35 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID là đối tác triển khai thực hiện. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Theo số liệu do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) công bố, nồng độ dioxin tại sân bay Đà Nẵng là rất cao, từ 9.000 ppt đến 17.000 ppt (viết tắt của part per trillion - phần nghìn tỷ), trong khi nồng độ cho phép trong đất nông nghiệp Mỹ chỉ là 1.000 ppt.

 Công Bính