1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khóc cho những ngôi mộ cát

(Dân trí) - Về xã Cam Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), chúng tôi chứng kiến bốn ngôi mộ cát - nơi chôn cất thi hài hơn 2.000 chiến sĩ và thường dân đã gục ngã dưới họng súng quân xâm lược - đang bị mưa gió và thời gian bào mòn, xóa dần dấu tích.

Lịch sử những ngôi mộ cát

 

Năm 1947, quân viễn chinh Pháp liên tiếp tấn công các tỉnh miền Trung. Sau khi chiếm được tỉnh Thừa Thiên, địch cho quân đánh ra Quảng Bình. Với chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, thực dân Pháp tiến công ồ ạt vào các xã Sào Nam, Hưng Đạo, Hoa Thám... và sau đó đánh vào trung tâm huyện.

 

Với phương tiện chiến đấu hiện đại, đi đến đâu chúng cũng cho quân lính càn quét, lùng sục, cướp phá, bắt bớ, dồn dân. Ở những nơi nghi ngờ có cán bộ của ta về nằm vùng, chúng thẳng tay bắn giết, kể cả dân thường. Thôn Hòa Luật Nam (thuộc huyện Lệ Thủy) nổi lên là một trong những địa điểm đóng quân và giết người man rợ nhất của thực dân Pháp.

 

Trong thời gian đóng đồn ở Hòa Luật Nam, từ năm 1947 đến năm 1950, giặc Pháp đã bắn giết hơn 2.000 người dân vô tội và chiến sĩ cách mạng. Sau khi giết xong, chúng không cho người nhà chôn cất. Lợi dụng địa hình những trảng cát dài, động cát cao ngút tầm mắt, giặc Pháp đào một hầm lớn ở động Troóc Voi, rộng 800m2, sâu 10m để mỗi lần giết người xong chúng vứt xác vào đó.

 

Từ sáng đến tối, sau khi bắt người, dù là thường dân hay chiến sĩ cánh mạng, quân địch đều đem ra bắn giết rồi vứt xuống hầm cát. Lớp xác này chồng lên lớp xác khác. Người chết sau chồng lên người chết trước. Đã có người không chịu được nỗi đau mất người thân, rình đêm xuống ra hầm cát trộm xác về chôn, nhưng vì xác người chồng chất quá nhiều nên không thể tìm ra thi thể người thân của mình.

 

Mãi đến năm 1952, nhờ công tác địch vận, địch mới đồng ý cho nhân dân được chôn cất hầm xương cốt ở đây... 16 người làm việc liên tục trong 3 ngày mới lượm hết số cốt, chia đều ra 4 hầm nhỏ để chôn cất cho chu đáo. Từ đó hình thành nên 4 ngôi mộ cát - như một chứng tích lịch sử chiến tranh đau thương; là bản cáo trạng cho tội ác dã man của giặc Pháp - còn lại cho đến ngày nay.

 

Nhân chứng và ước nguyện...

 

Chúng tôi tìm gặp cụ Trương Như Phú, năm nay đã trên 80 tuổi, ở thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, một nhân chứng sống của những ngày chiến tranh kinh hoàng ấy. Căn bệnh tai biến não hành hạ cụ hơn 11 năm nay, khiến cụ liệt hẳn nửa người bên trái, đi lại nhờ vào chiếc xe lăn. Hồ đó, cụ là một xã đội phó đang bước vào tuổi 30, chỉ huy cả lực lượng dân quân xã Sào Nam và nhân dân địa phương vừa tổ chức đánh trả địch, vừa lao động sản xuất.

 

Trước tình cảnh giặc Pháp say cơn bắn giết, giết người của ta vô tội vạ, cụ đã cùng một chiến sĩ bộ đội dương cờ táp xin vào gặp chỉ huy địch thương lượng. Lúc này bộ đội ta cũng đã bắt được mấy tên lính Pháp làm con tin, nhằm cứu thoát người dân vô tội và chiến sĩ cách mạng.

 

Cụ kể lại: “Hai bên thỏa thuận, chúng đồng ý không giết người của ta, còn ta trao trả tù binh cho chúng. Khi hoàn thành công việc, chúng bảo tui cần gì chúng sẽ đáp ứng, tui nói, tui chỉ cần chúng không giết người của ta, và cho tui được vào thăm anh em ở trong trại. Bọn giặc Pháp đưa cho tui 300 gói thuốc côtáp để làm quà cho anh em. Mỗi lần vào trại địch là một lần khó. Tui vào trạm giam động viên anh em cố gắng giữ gìn khí tiết cách mạng, không nghiêng ngả trước đòn tra tấn và cám dỗ của địch...”.

 

Dù yếu sức, cụ Phú vẫn cố gắng đưa chúng tôi ra 4 động cát, thắp hương tưởng nhớ hơn 2.000 con người đã chết dưới họng súng quân thù. Chân phải cụ lết trên cát, cụ nhớ lại: “Người làng cát rứa mà khí tiết cách mạng cao lắm đó chú ơi! Sa vào tay địch mà vẫn hiên ngang không chịu khuất phục mô. Tui còn nhớ, có một hôm bọn lính Pháp dẫn 1 người đàn bà ra chỗ bắn, khi đi qua cánh đồng, thấy có người làm ruộng, rứa là chị bỏ chiếc nón đang đội trên đầu ra nói: Tui sắp chết rồi, các chị cầm lấy mà đội...”.

 

Với chiếc xe lăn, ngày giỗ chạp, ngày lễ, ngày tết, ngày rằm... nào cụ cũng ra thắp hương cho các ngôi mộ cát, nhìn những ngôi mộ cát đã trôi dần, chỉ còn lại những đụn cát nhỏ trắng xóa, lô nhô,…

 

Ông Ngô Thanh Nghị, nguyên Chủ tịch xã Cam Thủy thời kỳ những năm 1954 – 1975, chính là người đã cho bà con cất bốc số hài cốt dưới hầm cát của quân địch về chôn thành mộ. Giờ đã về già, thấy 4 ngôi mộ cát cứ phôi phai dần, không được tôn tạo, cất bốc, ông lại thấy ân hận, xót xa.

 

Ông áy náy, nếu chúng ta không tôn tạo những ngôi mộ cát với thành bệ vững chắc, thì liệu cát kia còn được bao năm, hay chỉ qua vài trận mưa gió nữa là bị bào mòn dần, bốn ngôi mộ cát sẽ dần mất hết dấu tích; biết tìm thắp hương cho trên 2.000 người đã khuất ở chốn nào?

 

Ước nguyện thiết tha của cụ Phú, ông Nghị… cũng là ước nguyện của Đảng bộ và nhân dân xã Cam Thủy bây giờ: Xây một khu lăng mộ tập thể khang trang, làm nơi yên nghỉ cho hơn 2.000 người đã ra đi trong chiến tranh. Hy vọng rằng, trong một tương lai gần, ước nguyện ấy sẽ thành sự thật.

 

Vĩnh Quý - Quang Văn