1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khoanh vùng cấm khai thác cát, sỏi, khoáng sản trên sông

(Dân trí) - Các Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phải hoàn tất việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông và định kỳ hằng năm rà soát lại tất cả các các khu vực này theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trước những bức xúc của dư luận suốt thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư Quy định về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Theo dự thảo này, việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Cụ thể, khu vực cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, gồm: Khu vực đang bị sạt, lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, an toàn của bờ sông; đe dọa hoặc làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; Khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hại trực tiếp đến hành lang bảo vệ các công trình giao thông, đê điều, thủy lợi, hệ thống cấp nước, thoát nước, trạm quan trắc và các công trình hạ tầng quan trọng khác; Khu vực đang bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu đô thị, khu dân cư tập trung, các công trình dân sinh; Khu vực có điều kiện địa hình địa chất không ổn định.

Khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, gồm: khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ sạt, lở nhưng chưa xác định được nguyên nhân; khu vực có yêu cầu về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; khi xuất hiện hiện tượng sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở lòng, bờ bãi sông, các hoạt động khai thác cát sỏi bị tạm thời cấm đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở, báo cáo UBND cấp tỉnh để quyết định thời hạn tạm thời cấm.

Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương có trách nhiệm tổ chức công bố khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo tới UBND cấp huyện và niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi có khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông.

Việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông phải hoàn thành trong thời hạn không quá 5 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành. Định kỳ hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản trên sông, xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chấn chỉnh hoạt động kè bờ, chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan

Sau dự án lấn sông Đồng Nai xây khu đô thị gây bức xúc dư luận suốt thời gian quan, dự thảo thông tư do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cũng đưa ra những hướng dẫn về dự án kè bờ, chỉnh trị sông và cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu như: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ các công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học; bảo tồn văn hóa, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên; an ninh, quốc phòng, hành lang bảo vệ nguồn nước và công trình hạ tầng khác, trừ trường hợp xử lý khẩn cấp.

Trường hợp phải thu hẹp dòng chảy thì phải bảo đảm không làm giảm quá 10% diện tích mặt cắt ướt tương ứng với lũ lịch sử; và phải bảo đảm vận tốc dòng chảy nhỏ hơn vận tốc xói, tạo lòng. Hạn chế xói lở bờ đối diện, tác động xấu đến các công trình ven sông ở hạ lưu.

Ngoài ra, chủ dự án phải tổ chức điều tra, đánh giá để thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt dự án hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hồ sơ gửi chấp thuận phải có báo cáo đánh giá tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng đến lòng bờ, bãi sông. Báo cáo phải làm rõ các tác động của dự án đến việc bảo đảm khả năng thoát lũ, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy trên toàn tuyến sông, các vấn đề phát sinh liên quan đến sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy trên toàn tuyến (nếu có) và giải pháp hạn chế, giảm thiểu tác động.

Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, thẩm tra và chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp không được chấp thuận thì phải có văn bản và nêu rõ lý do. Nội dung văn bản chấp thuận phải nêu rõ phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện; các biện pháp cụ thể để phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và các yêu cầu khác trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên sông, dự thảo thông tư yêu cầu phải bảo mặt độ tối đa không vượt quá 0,2 % diện tích mặt nước đối với đoạn sông có vận tác dòng chảy cao; không vượt quá 0,05 % diện tích mặt nước đối với đoạn sông có vận tác dòng chảy thấp và phải bảo đảm khoảng cách giữa các cụm lồng bè phù hợp. Đáy lồng bè phải cách đáy sông tối thiểu 0,5m.

Thế Kha