1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

“Khoanh” tối đa phạm vi áp dụng hình phạt tử hình

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quát triệt định hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình khi sửa Bộ luật hình sự.

Sau phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ, thống nhất về mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình.

Theo đó, Chính phủ nhận định, BLHS là một đạo luật lớn, rất quan trọng của nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung lần này phải hướng tới mục tiêu xây dựng một Bộ luật có chất lượng và tính khả thi cao, có tính dự báo, tạo sơ sở pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,bảo vệ chế độ XHCN, thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.

Chính phủ thống nhất về đề xuất của Bộ Tư pháp những định hướng lớn xây dựng Bộ luật hình sự (sửa đổi), trong đó, một số vấn đề cơ bản.
 

Trước hết, tinh thần xây dựng BLHS lần này là giảm khả năng áp dụng hình phạt tù,

“Khoanh” tối đa phạm vi áp dụng hình phạt tử hình
Việc duy trì án tử hình được coi là "biện pháp tự vệ" cần thiết nhưng sẽ hạn chế tối đa, chỉ áp dụng với một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng.

mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Cùng với đó là định hướng hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự.

Một yêu cầu khác được đặt ra là hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên.

Chính phủ đồng ý mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số tội phạm cụ thể có tính chất đặt thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trogn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ yêu cầu cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với vác pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt nam và bảo đảm tính khả thi.

Xu hướng khác, luật hình sự sẽ thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong Bộ luật hiện hành mà không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngược lại, luật sẽ hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trong Bộ luật hình sự, nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Cùng với Bộ luật hình sự, trong phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật khác như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược, luật Doanh nghiệp sửa đổi, luật Đầu tư sửa đổi… Để bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các dự án luật, pháp lệnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh được phân công thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, kể cả các dự án thuộc Chương trình cả nhiệm kỳ, bao gồm chương trình chính thức và chương trình chuẩn bị. Trước hết, tập trung vào các dự án luật, pháp lệnh phục vụ cho việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là các dự án luật về tổ chức bộ máy, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp phải cải tiến, nâng cao hơn chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là các dự án luật, pháp lệnh; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (bao gồm chương trình hàng năm, Chương trình cả nhiệm kỳ, trong đó có chương trình chuẩn bị); phát hiện kịp thời những hạn chế, bất cập, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các biện pháp khắc phục, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các dự án luật, pháp lệnh.

Về tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong quý I/2014, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ đánh giá, dù có cố gắng nhưng tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa có chuyển biến. Số lượng văn bản nợ đọng chậm ban hành còn lớn. Chất lượng một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch còn rất chậm.

Để tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng luật năm 2014, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng, ban hành, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật.

“Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân thuộc bộ, ngành mình trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết” – Nghị quyết của Chính phủ thể hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ được chỉ đạo ưu tiên tập trung thẩm định, thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời kinh phí bảo đảm, kinh phí hỗ trợ cho việc xây dựng văn bản.

P.Thảo