1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khoảng 10.000 m3 gỗ lậu “tuồn” khỏi Quảng Bình mỗi năm

(Dân trí) - Đó là con số do Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đưa ra sau nhiều lần nắm bắt tình hình vận chuyển gỗ lậu chủ yếu qua “yết hầu” Tân Ấp, vùng cửa ngõ Quảng Bình giáp với Hà Tĩnh.

Chấn chỉnh hoạt động bảo vệ rừng

 

Sau loạt bài của Dân trí phản ánh tình trạng phá rừng và vận chuyển gỗ lậu trái phép ở tiểu khu 218 thuộc thôn Phú Minh (Thượng Hóa - Minh Hóa), Chi cục Kiểm lâm (KL) Quảng Bình đã chỉ đạo Hạt KL Minh Hóa cùng với Lâm trường Minh Hóa tiến hành kiểm tra, truy quét gỗ lậu vào các ngày 23 - 24/7 và phát hiện thêm hơn 10 m3 gỗ đã khai thác nằm rải rác trong tiểu khu.

 

Điều này khá trùng khớp với những thông tin từ cơ sở cho biết: sau khi báo chí phản ánh tình hình ở khu vực này, việc phá rừng vẫn chưa dừng lại và lâm tặc đã tìm cách để vận chuyển số gỗ đã khai thác trước khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.


Khoảng 10.000 m3 gỗ lậu “tuồn” khỏi Quảng Bình mỗi năm - 1
Chi cục KL Quảng Bình khẳng định sẽ chấn chỉnh hoạt động BVR và kiểm soát vận chuyển lâm sản đoạn qua đèo Đá Đẽo.

 

Theo Chi cục KL Quảng Bình: trước mắt, để khắc phục tình hình, Chi cục sẽ chỉ đạo Lâm trường Minh Hóa tiến hành truy quét, đốt lán trại và phối hợp với ngành KL, chính quyền địa phương đuổi đẩy lâm tặc.

 

Chi cục sẽ họp bàn với Hạt KL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ đạo Hạt KL Minh Hóa, Bố Trạch thắt chặt kiểm soát phương tiện vận chuyển gỗ lậu trên đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là đoạn qua đèo Đá Đẽo.

 

Hiện Chi cục đang yêu cầu Hạt KL Minh Hóa và chủ rừng (Lâm trường Minh Hóa) báo cáo tình hình, kiểm điểm trách nhiệm để có hình thức xử lý đối với chủ rừng và rút kinh nghiệm đối với Trạm KL Thượng Hóa về công tác giám sát hoạt động BVR cũng như phối hợp với chủ rừng để ngăn chặn nạn phá rừng.

 

Khoảng 30 m3 gỗ lậu “chảy” khỏi Quảng Bình/ngày

 

Theo Chi cục KL Quảng Bình, qua công tác nắm tình hình tại trạm Tân Ấp, con đường yết hầu của giới lâm tặc vận chuyển gỗ lậu liên tỉnh, cho thấy có khoảng 30 m3 gỗ lậu “chảy máu” từ Quảng Bình mỗi ngày. Một phép tính đơn giản cho thấy hàng năm có khoảng 10.000 m3 gỗ lậu “lọt” trạm Tân Ấp.

 

Để khống chế tình hình, Chi cục đã cho tăng cường thêm cán bộ, trang cấp thêm súng và các công cụ hỗ trợ khác. Theo Chi cục, sau một thời gian tăng cường kiểm soát, hiện tình hình vận chuyển gỗ lậu qua cửa ngõ này đã cơ bản bị chặn lại.

 

Theo nhận định của Chi cục, việc vận chuyển gặp khó khăn sẽ khiến lâm tặc tìm cách tiêu thụ gỗ lậu ngay trong tỉnh. Chính vì vậy, song song với chặn gỗ lậu qua trạm Tân Ấp, Chi cục đã tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gỗ lậu trên các tuyến huyết mạch như đường Xuyên Á, đường 12… và các tuyến đường sông từ Tuyên Hóa, Minh Hóa về sông Gianh.

 

“Sau thời gian tiến hành truy quét gắt gao, nhìn chung tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu đã giảm mạnh. Song có những nơi, chúng tôi bị người dân phản ứng mạnh vì họ không thể vào rừng, không tiêu thụ được gỗ đã khai thác tức không có thu nhập. Vì thế, để BVR có hiệu quả và ngăn chặn người dân vào rừng, cần tạo được sinh kế cho người dân gắn với rừng”, một lãnh đạo Chi cục KL Quảng Bình cho hay.

 

Hồng Kỹ