Tây Ninh:
"Khoác áo mới" cho nhà bia kỷ niệm Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam
(Dân trí) - Ngày 26/7, tại Tây Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà bia kỷ niệm nơi làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam.
Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2020), 59 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (23/11/1961-23/11/2020).
Tham dự buổi lễ có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, cùng lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Tỉnh ủy Tây Ninh.
90 năm tự hào ngành Tuyên giáo
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Phuông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong suốt 21 năm (1954-1975), ở miền Nam, để phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các cơ quan tham mưu giúp việc trọng yếu.
Ngày 23/11/1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nối tiếp nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.
Ngay từ khi thành lập, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục được giao nhiệm vụ vừa theo dõi nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng, dư luận xã hội trên chiến trường miền Nam vừa tham mưu đề xuất với Trung ương Cục về chủ trương, đường lối đấu tranh chính trị, ngoại giao trong cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng thời, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục và rèn luyện về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân; cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân ở miền Nam đứng lên đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng.
Cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục không chỉ là chiến sĩ trung thành trên mặt trận tư tưởng chính trị, mà thật sự là chiến sĩ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường ác liệt, bảo vệ an toàn căn cứ, đóng góp nhân lực cho lực lượng vũ trang miền Nam, tham gia chiến dịch, chiến đấu trên các mặt trận.
"Đã có hơn 540 cán bộ của Ban anh dũng hy sinh, trong đó có 300 đồng chí từ lực lượng của Ban được tuyển chọn xây dựng Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 và 353 đồng chí là thương binh, hàng trăm chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều cán bộ của Ban được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh và các phần thưởng cao quý", ông Phuông chia sẻ.
Tháng 1/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Trải qua 90 năm, ngành Tuyên giáo đã đổi qua nhiều tên gọi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, khoa giáo thì vẫn luôn thống nhất và xuyên suốt.
Qua đó, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Những đóng góp to lớn đó của ngành được Nhân dân trân trọng, Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
"Để lưu giữ trường tồn di tích lịch sử của ngành, ngày 2/5, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khởi công tu bổ, tôn tạo di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, do công trình đã được xây dựng từ năm 2005. Qua 15 năm nên đã xuống cấp và chưa được tiện lợi để phục vụ cho du khách đến tham quan. Công trình được thực hiện rất khẩn trương, chỉ trong hơn 2 tháng, chúng ta đã hoàn thành", Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trao kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tuyên giáo" cho 4 cho cán bộ, lãnh đạo của các Ban Đảng Tỉnh ủy Tây Ninh.
"Cái duyên" 10 năm với công tác tuyên huấn
Trong buổi lễ đặc biệt này còn có sự hiện diện của các vị lão thành nguyên là cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, cán bộ hưu trí của ngành tuyên giáo đang sinh sống tại Tây Ninh, TPHCM, Bến Tre và các tỉnh phía Nam.
Trở lại chiến trường xưa, ông Vũ Tiến Cường (sinh năm 1941) không khỏi bồi hồi, xúc động: "Chúng tôi là những người chiến sĩ, vừa cầm bút và vừa cầm súng. Giặc vô là đánh giặc. Còn bình thường thì viết báo, đi theo chiến trường đưa tin cho quân đội".
Ông Cường nhớ một trận càng lớn của địch khiến đài phát thanh gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền. Do đó, buộc phải gửi thông tin ra Bắc để cập nhật tình hình chiến sự ở miền Nam.
"Thông tấn xã phải chuyển tin tức trong miền Nam ra cho đài ngoài kia nhận và đọc y như là đài phát thanh", ông Cường nhớ lại.
Ông Vũ Tiến Cường làm việc ở Thông tấn xã Giải phóng, là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau này, ông còn viết bài cho báo quân đội.
Nhớ lại "cái duyên" với ngành Tuyên giáo, ông Cường cho biết, trước công tác văn hóa - thông tin ở tỉnh Bến Tre, sau được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đào tạo làm báo. Ông đã có 10 năm gắn bó và quen từng gốc cây ngọn cỏ nơi đây.
Làm việc ở Thông tấn xã Giải phóng, ông Cường cũng nhận và biên tập tin tức ở các tỉnh gửi về để kịp thời phản ánh tình hình chiến trường miền Nam và phục vụ công tác tuyên truyền.
"Trận chiến Mậu Thân 1968, tôi được cử đi chiến trường Tây Ninh. Các chiến sĩ của ta đã có trận đánh ác liệt vào Tòa thánh Tây Ninh. Nhìn thấy sự hy sinh quả cảm của anh em chiến sĩ mà mình ứa nước mắt. Đó là nếm trải chiến trường đã qua. Nay mình còn sống là hạnh phúc nhưng mà thương anh em ngã xuống để có thành quả ngày nay", ông Cường xúc động.