1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khó quản lý lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội

(Dân trí) - Theo thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó trưởng phòng cảnh sát Quản lý hành chính và TTXH, có tới 20% số vụ phạm pháp trên địa bàn Hà Nội do người ngoại tỉnh gây ra, trong đó không ít vụ cướp của giết người. Tuy nhiên, đây lại là số đối tượng khó quản lý nhất vì họ thường xuyên thay đổi chỗ ở và nơi làm việc.

Hôm qua, 10/10, là ngày đầu tiên công an Hà Nội tổ chức tổng kiểm tra hộ khẩu trên toàn thành phố. Mục đích cuộc tổng kiểm tra nhằm xác định dân cư trên địa bàn, giúp củng cố sổ sách phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Đối tượng kiểm tra là tất cả những người đang sống trên địa bàn thành phố. Những nơi mù mờ về địa giới, giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh… sẽ được đặc biệt chú ý. Thượng tá Phạm Văn Phấn đã có cuộc trao đổi về đợt tổng kiểm tra này.

 

Thực trạng đăng ký tạm trú, tạm vắng hiện nay thế nào thưa ông?

 

Theo thống kê, việc thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng đạt khoảng 60%. Qua nhiều lần kiểm tra cho thấy,  một bộ phận dân còn thiếu tự giác, không chấp hành qui định về đăng ký tạm trú, tạm vắng. Ngoài ra, việc kiểm tra đôn đốc của công an khu vực và cán bộ cơ sở chưa thường xuyên. Ngay cả việc xử lý vi phạm còn nhẹ (theo qui định từ 20-100.000đ), chưa kể việc xử phạt cũng gặp khó khăn do cảnh sát khu vực chưa kiên quyết vì đặc thù công việc là thường xuyên tiếp xúc với dân.

 

Tổng kiểm tra năm 2004 phát hiện:

 

- 500 trường hợp tẩy, xóa, chữa hộ khẩu.

- 400 trường hợp trẻ em không khai sinh.

- 3000 trường hợp người chết chưa cắt khẩu.

- 2000 trường hợp đi nước ngoài mà chưa điều chỉnh.

- 11.500 trường hợp không khai báo tạm trú.

 

Theo thống kê năm 2004, Hà Nội có khoảng 3,1 triệu người đang sinh sống, trong đó 2,6 triệu dân có hộ khẩu, 300.000 người trong diện KT3, KT4 (người ngoại tỉnh làm việc ở Hà Nội chưa có nhà ở). Ngoài ra, có khoảng 500.000 người từ địa phương khác vào thành phố lao động, học tập, công tác mỗi ngày.

Để khắc phục tình trạng này, công an Hà Nội có biện pháp gì thưa ông?

 

Để cải thiện tình trạng nể nang, nặng về nhắc nhở, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra gắt gao. Nơi  nào để lọt nhiều sẽ bị tính vào thi đua. Còn việc xử phạt thì đã có qui định cụ thể (nghị định 49), công an không thể xử phạt cao hơn.

 

Những khó khăn trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu hiện nay là gì, thưa ông?

 

Khó khăn cho việc quản lý hộ khẩu hiện nay là số lao động ngoại tỉnh đổ về Hà Nội ngày một đông. Ngoài mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu lao động thì cũng nảy sinh nhiều tiêu cực. Có tới 20% số vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn  Hà Nội do người ngoại tỉnh gây ra. Đặc biệt có nhiều vụ trọng án như cướp của, giết người.

 

Việc quản lý lao động ngoại tỉnh gặp rất nhiều khó  khăn do họ thường xuyên thay đổi chỗ ở và nơi làm việc. Ngay việc người tỉnh ngoài về đông cũng phát sinh một số dịch vụ phức tạp như xây nhà trọ bình dân.

 

Hiện có  khoảng trên 10.000 trường hợp như vậy và hầu hết những hộ  kinh doanh loại hình dịch vụ này không đáp ứng các yêu cầu về diện tích tối thiểu của phòng ở, an toàn cháy nổ… Nói chung, hầu hết  không đủ điều kiện để cấp phép.

 

 

Khó quản lý lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội - 1
 

Thượng tá Phạm Văn Phấn

Có ý kiến cho rằng việc khai báo tạm trú ở một số nơi gặp phải khó khăn?

 

Theo qui định, chủ nhà phải khai báo tạm trú cho người đến ở. Ngay cả những nhà không ở mà cho thuê hoàn toàn cũng phải có trách nhiệm đăng ký, khai báo tạm trú về số lượng người thuê, làm gì, ở đâu và người đến thuê phải có giấy tờ tùy thân. Việc đăng ký tạm trú là trách nhiệm của công an cơ sở, không có lý do gì để gây khó dễ. Hiện nay ở các khu dân cư, tổ dân phố đều có nơi khai báo và đăng ký tạm trú, tạm vắng.

 

Điều kiện để đăng ký hộ khẩu đối với những người thuộc diện KT3 như thế nào thưa ông?

 

Hiện một số ngành dùng hộ khẩu để gây khó khăn cho người dân. Về phía công an thì hộ khẩu đơn giản chỉ là căn cứ quản lý nhân khẩu nên không khó khăn gì. Chúng tôi đã có kiến nghị đề nghị các ngành  không lấy hộ khẩu làm căn cứ để giải quyết các vấn đề khác.

 

Hiện công an Hà Nội vận dụng khá “mở” qui định này. Đối tượng thuộc diện KT3 khi đăng ký hộ khẩu chỉ cần có nhà ở hợp pháp, không cần sổ đỏ. Nhà ở hợp pháp có nghĩa là nhà có nguồn gốc hợp pháp, không nằm trong diện giải tỏa, qui hoạch, miễn là giấy tờ mua bán phải được chính quyền địa phương xác nhận.

 

Xin cảm ơn ông.

Đức Hoà thực hiện