Khổ như “thượng đế” xe khách!
(Dân trí) - Phụ xe chèo kéo, đón khách, nhồi nhét thật lực. Khách chen chúc, ngồi không được, đứng không xong đến nhược cả người. “Thượng đế” đã lên những chuyến xe cuối tuần rồi thì khổ mấy cũng cố chịu, đi cho được việc, hơn nữa trót than vãn là thế nào cũng bị… mắng.
Cảnh tượng tưởng chỉ diễn ra trong những ngày lễ tết, hóa ra cuối tuần nào cũng “diễn”.
Người viết trong vai một hàng khách muốn đi tuyến Giáp Bát (Hà Nội) - Nam Định, đang lơ ngơ tìm xe thì đã bị hàng chục lơ xe lôi kéo, giằng co đưa bằng được lên xe. Lên được xe rồi có khi phải ngồi hàng giờ trên xe nóng nực, chờ đến giờ xe xuất bến.
Một phụ xe thật thà: “Bằng mọi cách phải đưa được khách lên xe, cứ lên rồi hẵng hay, chờ 1 vài tiếng là chuyện thường. Khách không đi đúng tuyến thì dọc đường sẽ chuyển hoặc “bán” khách sang xe đúng tuyến, miễn sao là khách ở trên xe mình và đủ số ghế khi xuất bến”.
Những “thượng đế” bị “bắt” ngay từ trong bến để khi ra khỏi bến là số ghế trên xe đầy khách. Hết chỗ nhưng ra đến đường, xe lại tiếp tục chạy là là đón khách. Số hành khách không ngừng tăng trên suốt chặng đường đi.
Các “thượng đế” còn phải chịu những lời lẽ không mấy dễ nghe nếu trót phàn nàn khi bị nhồi nhét. Khi xe đã quá đông, không còn chỗ để len chân, phụ xe bò cả lên thành ghế của khách mà thu tiền vé.
Cảnh chen chúc thường thấy trong xe khách
Từ cả chục năm nay, những chuyến xe khách xuất phát từ bến Giáp Bát đi Nam Định luôn bị “nhồi nhét” như thế vào những ngày cuối tuần, chưa kể dịp lễ tết.
Người viết đã trực tiếp ngồi trên một trong những chuyến xe “kinh hoàng” đó và chứng kiến “tài” nhồi nhét khó tin của lơ xe: Xe County 29 chỗ ngồi nhưng riêng phần đầu xe, từ chỗ lái xe đến hàng ghế đầu tiên sau lái, các phụ xe xếp được 13 người. Hai hàng ghế chính là 24 khách, giữa 2 hàng ghế chính là hàng “ghế nhựa” xếp được 11 khách. Hàng ghế sau cùng nhồi được 6 khách nữa. Tổng cộng trên xe có 55 khách, chưa kể vài trẻ nhỏ được bố mẹ bế trên tay suốt chặng đường dài.
Khách nào có ghế nhựa ngồi vẫn là “may mắn”. Có những vị khách không có chỗ ngồi, phải đứng và cửa xe được mở để khách bám vào cửa xe. Cảnh tượng nguy hiểm ấy lại không hề hiếm thấy.
Phụ xe lý giải: “Chúng em phải cố xếp càng nhiều càng tốt. Anh xem, xăng dầu tăng, rồi tiền bến bãi, qua mấy trạm thu phí. .. chưa kể chúng em còn phải “làm luật” 3-4 lần trên cả chặng,… Xe em chở hơn 50 khách là chuyện bình thường”.
Lạ một điều là những chuyến xe ken đặc người đó vẫn dễ dàng “qua mặt” lực lượng chức năng. Suốt chặng kể từ khi xuất bến có đến 3-4 chặng kiểm tra của lực lượng chuyên ngành nhưng xe vẫn “bình an”. Liệu chuyện “làm luật” mà phụ xe nói ở trên có phải là câu trả lời?
Đình Hưng