Hà Nội:
Khó làm cầu vượt theo tuyến Văn Cao - Hồ Tây
(Dân trí) - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây là một trong những công trình “giải quyết bức xúc giao thông của thành phố”. Cũng theo ông Thịnh, trên tuyến này không thể làm cầu vượt do độ “vuốt” quá lớn…
Trước nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xung quanh việc thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây xâm hại đến di tích Hoàng thành Thăng Long, Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh đã có cuộc trao đổi với báo chí về những quyết định mới đây của thành phố liên quan đến tuyến đường này.
Ông Thịnh cho biết, tại nút giao giữa đường Văn Cao - Hồ Tây với đường Hoàng Hoa Thám, tuyến Hoàng Hoa Thám được thiết kế làm cầu vượt, trong khi tuyến Văn Cao - Hồ Tây được thiết kế làm cầu chui bên dưới.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao không thiết kế cầu vượt theo tuyến Văn Cao - Hồ Tây để tránh động chạm tới đê Hoàng Hoa Thám (vốn là vòng thành ngoài cùng của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần và là vòng Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ) , ông Thịnh cho rằng, nếu biết có những dấu tích, hiện vật về hoàng thành Thăng Long ở bên dưới đê Hoàng Hoa Thám, phương án làm cầu vượt qua đê sẽ được đưa ra xem xét, nhưng do chưa lường trước điều trên nên thành phố đã lựa chọn phương án tối ưu nhất về kinh tế, mỹ quan (tức phương án như hiện hành).
Chưa hết, ông Thịnh mở rộng thêm, đê Hoàng Hoa Thám có cao độ lớn hơn đường Văn Cao tới 3 - 4m, vì thế nếu làm cầu vượt theo tuyến Văn Cao - Hồ Tây, độ “vuốt” lên có thể cao tới 10m. Vì độ vuốt không thể giảm đột ngột mà giảm dần nên điểm vuốt cuối cùng có thể phải ở sát Hồ Tây, trong khi phía đường Văn Cao điểm cuối cũng phải sát Viện Khoa học xã hội & Nhân văn, cơ quan “cấp trên” của Viện Khảo cổ học.
Vì những lí do trên, ông Thịnh một lần nữa nhận định, phương án hiện hành là phương án “hài hoà cả về kinh tế, cảnh quan và những gì đang có”.
Trở lại việc thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây, theo ông Thịnh khi dỡ đê Hoàng Hoa Thám để làm các mấu trụ đã phát hiện những hiện vật, gồm các đồ sành, gạch cổ thời Lý, Trần.
Ngay khi Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Hà Nội có công văn đề xuất tạm dừng việc thi công đường Văn Cao - Hồ Tây để phục vụ công tác thu thập hiện vật UBND TP đã đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất này (ngày 10/5).
Các nhà khảo cổ học tiếc nuối khi các hiện vật bị xâm hại
Tiếp đó, ngày 12/5, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Viện Khảo cổ học cùng Sở Giao thông Vận tải, quận Ba Đình… đã có buổi làm việc về các vấn đề đặt ra sau khi phát lộ các dấu tích, hiện vật của hoàng thành.
Tại buổi làm việc, Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã đề nghị dừng thi công 1 trong 2 hố móng nằm trên đê Hoàng Hoa Thám (hố móng còn lại đã thi công xong) để thực hiện thám sát, tìm kiếm hiện vật và đã được các bên nhất trí.
Các bên cũng thống nhất, sau khi thám sát tại hố còn lại sẽ đề xuất phương án linh hoạt, làm sao vừa bảo tồn vừa bảo đảm phát triển. “Giữa bảo tồn và phát triển chúng ta phải tìm giải pháp thống nhất để làm sao vừa bảo đảm thi công, bảo đảm phát triển, đồng thời vẫn giữ các di sản bên dưới để đến khi nào có điều kiện, khả năng sẽ xem xét thêm”, ông Thịnh minh hoạ thêm.
Theo ông Thịnh, cuộc họp cũng thống nhất quan điểm không kéo dài thời gian dừng thi công, bởi đây là công trình nghìn năm và công trình “giải quyết bức xúc giao thông của thành phố”.
Theo ông Thịnh, căn cứ vào kết quả cuộc họp trên, xét tình hình thực tế và mục tiêu hoàn thành công trình trước tháng 10 năm nay, thành phố đã ra tiếp văn bản 3363/UBND - GT (ngày 13/5). Theo đó, UBND TP giao Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ, tiếp tục thi công công việc “ngoài phạm vi nhỏ để nghiên cứu, thu thập hiện vật”…
Mở rộng thêm về tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây, ông Thịnh cho biết, tuyến đường này nằm trong hệ thống các công trình giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau khi nhận được đề xuất của các cơ quan chức năng, thành phố đã chấp thuận cho triển khai thi công tuyến đường này.
Việc xây dựng tuyến đường này thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn và đến nay vẫn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 79 hộ.
Kim Tân