1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhà văn lão thành Kim Lân:

“Kho ký ức” về một giai đoạn văn học cách mạng đã qua đời

(Dân trí) - Mấy anh em nhà văn trẻ chúng tôi thường vẫn kính trọng, thân mật gọi ông là “Bố già Kim Lân” bởi cái duyên kể chuyện, hoạt bát và khá khôi hài của ông. Trong con - người - nhà - văn của <a href="http://www.dantri.com.vn/giaitri/2007/7/188604.vip">Kim Lân</a>, cùng với sự hiểu biết sâu sắc thông tuệ là cả một kho ký ức...

14 giờ 30 chiều 20/7, nhà văn lão thành Kim Lân - tác giả truyện ngắn xuất sắc những năm đầu cách mạng, đã qua đời tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội sau hơn một năm chống chọi với bệnh tật, ông hưởng dương 88 tuổi.

 

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, ông sinh năm 1920 ở làng Phù Lưu, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh và là một trong những cái nôi của nền văn hoá Kinh Bắc. Vì hoàn cảnh gia đình, ông chỉ được học hết tiểu học rồi sau đó phải đi làm thợ.

 

Nhà văn Kim Lân hoạt động trong phong trào văn hoá cứu quốc trước năm 1945, những ngày đầu cách mạng ông tham gia viết báo, viết văn rồi trở thành cây bút truyện ngắn nổi danh trong thế hệ các nhà văn tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến, ông sống và công tác ở chiến khu Việt Bắc. Giải phóng thủ đô, ông và gia đình trở về Hà Nội sinh sống.

 

Những năm đầu hoà bình, nhà văn Kim Lân là một trong những uỷ viên đầu tiên trong Ban phụ trách Nhà xuất bản văn học. Sau đó, Kim Lân cùng nhà văn Nguyên Hồng tham gia giảng dạy tại Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, rồi công tác ở tuần báo Văn Nghệ và Nhà xuất bản tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam). Ông là một trong những người sáng lập và là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nội.

 

Tác phẩm chính của Kim Lân đã xuất bản gồm: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962); Hiệp sĩ gỗ, Ông cả Ngũ, Tuyển tập Kim Lân (1998, 2003). Kim Lân viết không nhiều, nhưng phải thừa nhận, những truyện ngắn của ông rất độc đáo và xuất sắc, và đã phần nào đưa ông lên hàng những nhà văn lớn nhất Việt Nam trong kháng chiến. Kim Lân đã được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt 1, năm 2001.

 

Khi trò chuyện cùng nhà văn Kim Lân, thỉnh thoảng, các nhà văn trẻ chúng tôi lại được nghe một số giai thoại thú vị về thế hệ các văn nghệ sĩ thời kỳ đầu cách mạng như: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình. Những năm tháng gian lao ấy, vùng ấp Đồi Cháy ở Nhã Nam, Bắc Giang đã trở thành một “căn cứ địa” của văn hoá kháng chiến và không ít văn nghệ sĩ đã đưa cả gia đình tản cư lên đây theo cách mạng.

 

Trong những lần trò chuyện với anh em viết trẻ, nhà văn Kim Lân cho biết, ông cầm bút vì nhiều nguyên nhân ẩn ức chứa chất trước sự bất công trong đời sống xã hội nơi làng quê thời trước cách mạng. Sinh ra ở một miền quê bị trói buộc bởi nhiều hủ tục phong kiến, lại ở vào thân phận mặc cảm - con một người vợ lẽ, ngay từ thủa thiếu thời, Kim Lân đã có ý chí tự lập thân, tự vươn lên khá mạnh mẽ. Những tâm trạng ẩn ức này thể hiện khá rõ trong một số truyện ngắn đầu tay của ông.

 

“Kho ký ức” về một giai đoạn văn học cách mạng đã qua đời - 1

Nhà văn Kim Lân người nhỏ nhắn, hiền lành, cởi mở và dễ gần.

Ông có duyên kể chuyện, hoạt bát và khá khôi hài. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

 

Trong những buổi đầu đến với văn chương, Kim Lân đã gặp gỡ Nguyên Hồng (lúc ấy đã là một nhà văn nổi tiếng), và tình bằng hữu văn chương đã gắn bó các ông suốt một thời gian dài từ trước cách mạng đến kháng chiến và sau này trong hoà bình.

 

Có lần tâm sự với tôi, nhà văn Kim Lân khẳng định: “Có thể nói, kể từ khi gặp Nguyên Hồng, ý thức viết văn chuyên nghiệp của tôi mới dần dần được hình thành sáng rõ, vì thời gian trước đó, tôi viết theo cảm hứng và viết để giải toả những bức xúc, ẩn ức mà mình thấy cần phải cầm bút để nói. Ông Nguyên Hồng thấy tôi cũng nghèo nghèo khổ khổ nên ông ấy cũng thích. Vào năm đói 1945, tôi thường mang truyện ngắn đến nhờ Nguyên Hồng “bán” hộ cho các tờ báo lớn, trong đó có nhiều chuyện viết về phong tục và thú chơi của các làng quê ở xứ Kinh Bắc”.

 

Kim Lân viết không nhiều, đa số sáng tác của ông là về nông thôn được viết trước cách mạng và trong kháng chiến như các tập truyện ngắn: Làng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí, Nên vợ nên chồng…Thời gian sau nay, ông viết rất ít, nhưng các truyện ngắn trước đó đã đưa ông lên hàng các tác giả tiêu biểu của nền Văn học Cách mạng Việt Nam những năm 50.

 

Mới đây, nhà văn Kim Lân rất mừng rỡ khi một bạn văn may mắn tìm lại được một số truyện ngắn của ông đã in trước cách mạng trên một số tờ của báo Trung Bắc chủ nhậtTiểu thuyết thứ bẩy mà ông đã quên bẵng hơn nửa thế kỷ vì mất bản thảo. Trao đổi với tôi, nhà văn cứ ngơ ngẩn, xuýt xoa kêu tiếc vì không bao giờ có thể tìm lại đủ các số của 2 tờ báo nói trên trong những năm ấy.

 

Ông phàn nàn: “Những truyện ngắn này tôi in từ năm 1942-1945 rồi quên bẵng đi mất, không nhớ rằng mình đã từng viết chúng như các truyện: Người kép già, Chó chết, Món đồ mừng, Người ta, Đứa con người cô đầu... Tiếc rằng một số truyện ngắn khác cũng đã từng in mà bây giờ mất bản thảo không sao tìm lại được như: Tông chim Cả Chuống, Ông pháo, Chim hoạ mi, Chó săn, Trạng vật. Riêng chuyện Chó săn được nhà văn Lan Khai khen và nhà văn Vũ Bằng viết lời đề dẫn.

 

Có một số truyện ngắn viết về thú chơi và phong tục làng quê, ông Vũ Bằng đổi bút danh từ Kim Lân thành Lan Kim (vì có ý muốn giữ bút danh Kim Lân cho những truyện ngắn đã nổi tiếng). Chính Vũ Bằng đã khuyên Kim Lân: “Ông viết về đời sống nghèo khổ ở nông thôn thì làm sao bằng được cụ Ngô Tất Tố. Ông hãy viết về thú chơi và phong tục nông thôn thì một mình ông “một chiếu”.

 

Nhà văn Kim Lân không ít lần xuýt xoa nói: “Tiếc nhất là tiếc cho Nam Cao chứ không phải là tiếc cho tôi, Nam Cao viết nhiều, in khoẻ và cũng giống như mấy nhà văn hồi ấy, ông không lưu lại báo và cũng chẳng còn bản thảo.

 

Đãng trí nhất là ông Nguyễn Công Hoan, khi mới về Hà Nội, được ông chủ nhà xuất bản Tân Dân ngưỡng mộ, biếu đầy đủ trọn vẹn một tập Tiểu thuyết thứ bẩy. Nguyễn Công Hoan mừng rỡ đem báo về cắt lấy những truyện ngắn của mình in trên đó, rồi sau, sơ ý bán toàn bộ số báo cũ này cho một cô hàng đồng nát mà quên mất rằng trên các số báo đó còn rất nhiều sáng tác của nhiều nhà văn đương thời cũng giống mình mất bản thảo sau kháng chiến. Lúc chợt nghĩ ra, nhà văn muốn đuổi theo cô hàng đồng nát đòi lại báo mà không kịp. Thế có nẫu ruột không chứ! Vì trên Tiểu thuyết thứ bẩy ngày ấy còn nhiều truyện ngắn của Nam Cao mà sau này không thấy có mặt trong các tuyển tập truyện ngắn của ông”.

 

Còn nhớ, ngày rằm tháng giêng cách đây hai năm, chúng tôi gặp nhà văn Kim Lân ở sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong dịp lễ đăng quang của Ngày Thơ Việt Nam. Mấy anh em nhà văn trẻ chúng tôi thường vẫn kính trọng, thân mật gọi ông là “Bố già Kim Lân”. Hôm ấy, một anh tếu táo nói: “Bố tám mấy tuổi rồi mà trông vẫn còn điển trai ra trò, khối em mê!”. Bố già Kim Lân nở một nụ cười hóm hỉnh đầy ý nhị: “Có viết nhiều, viết khoẻ được như các cậu đâu mà lắm em theo!”.

Nhà văn Kim Lân người nhỏ nhắn, hiền lành, cởi mở và dễ gần. Ông có duyên kể chuyện, hoạt bát và khá khôi hài. Trong con - người - nhà - văn của Kim Lân, cùng với sự hiểu biết sâu sắc thông tuệ là cả một kho ký ức.

 

Nếu được ngồi hầu chuyện “Bố già Kim Lân” thì có lẽ cánh viết trẻ nghe cả ngày không chán, vì tuy đã ở tuổi “gần đất xa giời” nhưng trí nhớ của ông là cả một kho tàng sống về một giai đoạn văn học Việt Nam trước và sau cách mạng tháng 8/1945, với nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng.

 

Tôi vẫn thường trao đổi với họa sĩ Thành Chương (con trai cả của nhà văn Kim Lân): “Nếu cụ không viết hồi ký, không ghi chép lại những diễn biến về giai đoạn văn học ấy thì sẽ là một thiếu hụt lớn mà sau này chúng ta không cách gì bù đắp nổi”. Thành Chương cho biết, đã rất lâu nhà văn hầu như không viết gì (hoặc không muốn viết thì đúng hơn!), dù cụ vẫn còn rất minh mẫn và luôn quan sát đời sống thế sự theo con mắt “nghiền ngẫm chiêm nghiệm” của một nhà văn.

 

Tôi cũng đã có lần “mạo muội” hỏi nhà văn Kim Lân về chuyện này. Ông nhìn tôi, cười ý nhị và thủng thẳng: “Cái đáng viết thì đã viết rồi, còn cái không đáng viết thì viết làm gì. Viết nhiều mà nhạt thì thà không viết còn hơn, vả lại giời cũng chỉ cho mình có thế, muốn hơn cũng không được. Viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm…!”, rồi nhà văn nghiêng người với cái điếu bát, khói thuốc lào lẩy bẩy bay lên trên gương mặt hiền hậu đầy chất hóm hỉnh dân dã của ông.

 

Chợt có hôm tôi đến thăm Kim Lân, nhà văn cho biết, thời gian gần đây ông không ngủ được, cứ thao thức suốt đêm với nhiều chuyện ám ảnh, nhiều lúc cứ nói chuyện một mình, muốn thôi không nghĩ ngợi nữa cũng không được, do vậy nhà văn chợt nảy ra cái ý nghĩ viết một thiên truyện có cái tựa đề khá độc đáo Lảm nhảm một mình trong đêm.

 

Hôm ấy, khi tôi xin phép nhà văn ra về, ngoài trời mưa bụi đã lác đác bay. Thứ mưa bụi như sương, như khói chỉ có duy nhất vào tháng chạp, tháng giêng ở vùng nông thôn Bắc Bộ. Tôi chợt liên tưởng đến những truyện ngắn viết về vùng nông thôn này của nhà văn Kim Lân, nó sẽ vẫn còn mãi như thứ mưa bụi sương khói kia, làm thao thức trong ta nỗi nhớ quê mỗi độ khi xuân về.

 

Giờ thì nhà văn Kim Lân đã từ giã cõi trần bụi bặm này để đi gặp lại những bạn văn chí cốt một thủa với ông như Nguyên Hồng, Nam Cao... Và tôi cứ thao thức mãi với những lời nói tâm huyết của ông về nghề văn trước lúc đi xa: “Tôi nghĩ muốn theo đuổi nghề văn thì người viết phải là người tử tế trước đã. Dĩ nhiên, không phải hễ là người tử tế ắt hẳn viết văn hay được. Viết văn phải có tài. Cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên.

Tôi thấy nhiều nhà văn lúc chưa biết nghề nếp tẻ ra sao, hồn nhiên, thoải mái, viết cái mình yêu, mình thích, thì viết lại rất hay, đến lúc hiểu kỹ về nghề thì viết lại tồi đi rất nhiều. Hay chăng cái mình biết đã gò bó cái tự nhiên của mình. Những hiểu biết về nghề văn là rất cần. Nó nâng tầm nhà văn lên, nhưng nếu để nó khống chế mình, làm mất cái thiên bẩm của mình đi thì nhà văn ấy không còn là chính mình nữa”.

 

Gia đình nhà văn Kim Lân cho biết: Lễ viếng nhà văn Kim Lân bắt đầu từ 11 giờ - 13 giờ 30 ngày 24/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, 14 giờ linh cữu của nhà văn được đưa tới Đài hoá thân hoàn vũ.

 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến