1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Khó khăn kinh tế không làm Tết mất... “xôm”!

(Dân trí) - “Càng gần Tết, những chuyển động trên đường phố, từng ngõ xóm nóng dần lên từng ngày. Tôi nghĩ những khó khăn kinh tế có ảnh hưởng nhưng không làm thay đổi bản chất việc người dân đón Tết”.

PGS.TS.Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) trao đổi.

Thưa ông, đã có những ý kiến cho rằng, đến những ngày cuối cùng của năm cũ, không khí chuẩn bị đón tết dường như không rôm rả, thậm chí "nhạt" hơn so với những năm trước?

Thực ra có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc này và tôi thấy có thể xem đó như 2 mặt mâu thuẫn và thống nhất của vấn đề. Năm nay đúng là có nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế nhưng tôi lại thấy rằng, cái cảm nhận không khí Tết không xôm trò bằng năm trước, năm trước nữa… cũng chỉ là một khía cạnh. Ngồi trong nhà có thể không thấy hết nhưng cứ ra ngoài, tắm mình trong không gian xã hội vẫn thấy thiên hạ làm mọi việc chuẩn bị Tết, chỉ là chuẩn bị âm thầm hơn. Dường như người ta có kế hoạch cả.

Thêm nữa, xu hướng mấy năm gần đây, thường những ngày sát Tết, các hoạt động mới “bùng nổ”. Không chỉ là đi mua sắm đào quất, cây hoa như trước đây, giờ nhìn sâu vào đời sống có thể thấy nhiều gia đình đã lên kế hoạch du lịch trong dịp Tết. Và khi đã “vào kế hoạch”, người ta sẽ không chộn rộn vất vả, quay cuồng lo lắng nữa. Việc chuẩn bị Tết giờ đã đi vào chiều sâu.
PGS.TS.Trịnh Hòa Bình

PGS.TS.Trịnh Hòa Bình

Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết có xu hướng kéo dài hơn. Có lẽ từ năm nay trở đi, kỳ nghỉ Tết đều khoảng 8-9 ngày. Mỗi gia đình càng có cơ hội lập kế hoạch dài hơi cho Tết, thành ra mọi việc đều được “ướm” kỹ từ trước.

Còn thực tế, càng gần Tết cũng nhận thấy những chuyển động trên đường phố, từng ngõ xóm nóng dần lên từng ngày. Tôi nghĩ những khó khăn kinh tế có ảnh hưởng nhưng không làm thay đổi bản chất việc người dân đón Tết.

Về ý kiến ăn Tết theo dương lịch, tôi không cho là cấp tiến hay giật gân nhưng Tết âm lịch đã có vị trí “khảm” vào chiều sâu tâm hồn người Việt. Nói ăn Tết dương lịch để hội nhập, tiết kiệm, tránh lãng phí… tôi cho là những biện minh chưa thuyết phục vì Tết đã thành văn hóa, thành bản sắc của cả dân tộc, không dễ gì đảo lại. Tôi nghĩ giờ nếu có một cuộc điều tra dư luận, chắc chắn khả năng đa số người nói không sẽ luôn luôn xảy ra.

Cái Tết còn luôn gắn liền với khí hậu, tiết trời, với điều kiện mùa vụ, sinh hoạt của người Việt, không phải chỉ cần một mệnh lệnh, một nút bấm là chuyển sang tết dương lịch được. Còn việc tốn kém hay tiết kiệm không quyết định bởi thời điểm ăn tết theo dương lịch hay âm lịch mà quyết định ở việc thỏa mãn đời sống hàng ngày của từng tầng lớp người dân. Vậy nên người giàu sẽ tiêu Tết theo kiểu người giàu, người nghèo tiêu theo kiểu người nghèo.
Nhưng rõ ràng là nếu nhìn lại dịp cận Tết, người mua dường như thờ ơ hơn hay chí ít cũng giảm phần hào hứng với việc sắm Tết. Các cửa hàng, ki ốt, sạp hàng cũng kêu dài vì ế. Các chủ vườn cười méo xệch vì từ năm 2009 đến nay mới lại có một mùa đào nở đẹp, đúng Tết nhưng lại ít được mặn mà, săn đón…

Có thể tổng nguồn vốn, sự huy động của người dân dành cho cái Tết không nhiều như năm trước nhưng bù lại, kế hoạch xem chừng có vẻ căn cơ hơn. Và nói vậy thôi chứ vẫn có nhiều nơi thưởng Tết rất lớn (như một doanh nghiệp ở TPHCM, thưởng Tết lên tới 650 triệu đồng). Và xu hướng săn quà khủng, quà độc để biếu tặng Tết vẫn không ngừng gia tăng mức độ giá trị.

Chúng ta có thể thấy việc phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo đang diễn ra rõ ràng, kể cả trong việc mừng xuân, đón Tết. Nhưng dẫu thế nào chăng nữa, tính giá trị tuyệt đối, so với trước kia, người dân, cộng đồng, cán bộ mình vẫn chuẩn bị cái Tết mỗi ngày một đầy đủ, cẩn thận hơn chứ không hề kém đi. Có chăng trong bức tranh tài chính kinh tế khó khăn này, người ta sẽ căn cơ hơn thôi.

Tôi cho rằng việc này lại là một cú hích hay để chúng ta có một cái Tết không hoang phí. Một năm khó khăn về kinh tế tài chính, mọi người, mọi gia đình đều phải tính toán chặt chẽ hơn. Nhưng đi bên cạnh dòng chảy ấy, mọi người bắt đầu hướng đến xu hướng thỏa mãn nhu cầu cá nhân để ngày Tết phong phú, đa dạng hơn.

Nhưng cũng không thể chỉ nhìn những món quà khủng, quà giá trị lớn mà một bộ phận nhỏ người dân có thể mua sắm như ông đề cập ở trên để nói là Tết xôm hơn?

Đúng là bộ phận này thuộc nhóm nhỏ mà xét đến cùng quà Tết cũng là phương cách kiếm ăn của họ trong tương lai chứ không phải người ta "vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy". Họ làm thế cũng để tạo hiệu ứng, gây kích thích với đối tác. Quà Tết khủng, độc, giá trị cao như vậy sẽ kèm theo chuyện có lời nhờ cậy, điều mong mỏi, nhu cầu xin một cái gì chứ không đâu, ai lại chi tiền cho một món quà tết “khủng” như vậy.

Cũng có thể thấy văn hóa Tết bây giờ, nói là cũng có mua bán mặc cả thì tiêu cực quá, nhưng rõ ràng có thể hiện xu hướng phân biệt tầng nấc, cấp độ vui xuân rất rõ rệt. Người giàu chi quà khủng, đi du lịch… người đời sống thấp thì vui kiểu bình dân. Nhưng tựu chung lại cả xã hội vẫn đang chuyển động.

Nhìn lại năm 2012, những vấn đề xã hội nào ông đánh giá là nổi bất, thu hút sự quan tâm nhất?

Tôi cho rằng chính trị - kinh tế - xã hội phải cùng xem xét trong một thể thống nhất, trong đó chính trị vẫn là hệ quy chiếu và tác động mạnh mẽ nhất đến các thiết chế khác. Theo tôi, vấn đề có thể thấy nổi lên rõ nhất trong năm qua chính là việc triển khai kiểm điểm 2 chiều trong Đảng theo tinh thần NQ TƯ 4. Gắn liền với đó là bức tranh về nền kinh tế tài chính xã hội với sự phập phù của chứng khoán, cục máu đông của bất động sản, sự đổ bể của các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn.

Sau đó, tôi nghĩ một vấn đề khác cần quan tâm là về tính đồng thuận của xã hội. Lòng tin của người dân trong quá trình xây dựng một xã hội hội nhập bền vững gắn liền với việc chúng ta phải chỉnh mình, phải sắm sanh, sang sửa những tiêu chí để hợp thức, tương thích với thiên hạ, để có thể phát triển theo đúng nghĩa hội nhập và mở cửa. Trở lại câu chuyện hòa nhập và không hòa tan, làm sao để giữ được bản sắc của mình đã nói mãi vẫn chưa hết ý nghĩa, nội hàm của nó.

Cụ thể đến lớp người lao động, làm công ăn lương, năm qua có thể xem là một năm yên ả hay chật vật?

Ở khu vực này, trong khi tiền lương vẫn chưa thay đổi, chưa chuyển sang được thể thức mới thì yêu cầu về quy trình, tiến độ xem xét tăng lương đã phản ánh nhu cầu bức thiết của người dân. Thực chất, đời sống của những người làm công ăn lương trở nên rất khó xoay xở. Có thể nói đội ngũ này ngày càng tăng, bộ máy nhà nước phình lên lớn nhưng đời sống chung của nhóm lại rất thấp.

Câu chuyện về một xã ở Quảng Xương, Thanh Hóa có đến hàng trăm chức danh "cán bộ", dù sau đó được “đính chính” với số lượng thấp hơn đôi chút hay một số cơ quan ở Nghệ An mà số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên đã thể hiện một thực tế là chúng ta đang “lạm phát” quan chức. Mà phạm trù quan chức luôn gắn liền với sự quan liêu, sau đó mới nói tiếp đến chuyện tham nhũng. Đây là câu chuyện dài kỳ, chắc chắn phải tính tiếp nữa.

Không phải ngẫu nhiên Đảng vừa phải cho tái lập 2 cơ quan rất quan trọng, một cơ quan là chiến lược phát triển về lĩnh vực kinh tế (Ban Kinh tế TƯ); một cơ quan hỗ trợ, quyết tâm để những nỗ lực phát triển kinh tế không trở thành vô nghĩa - tức phải chặn đứng được tham nhũng (Ban Nội chính TƯ). Bản thân sự kiện đó nói lên nhiều ý nghĩa mà không cần đợi phân tích.

Đứng dưới góc độ một nhà xã hội học, ông chờ đợi điều gì vào năm Quý Tỵ?

Năm 2013 được dự báo là tình hình không có gì thay đổi lớn. Chúng ta chỉ mong những việc Chính phủ đã hứa và đang gồng mình thực hiện (ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội) có thể thành công. Chúng ta hi vọng kinh tế vĩ mô sẽ từng bước lấy lại phong độ. Chỉ hi vọng từng bước thôi vì nếu không giải quyết được “cục máu đông” bất động sản, tính ra đến mấy chục tỷ USD thì tình hình kinh tế cũng không thể sáng sủa ra được. Kiềm chế lạm phát cũng không thể thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính. Còn an sinh xã hội, chừng nào không giải được bài toán kinh tế thì cũng không có nguồn lực lớn để lo cho vấn đề này.

Xin cảm ơn và chúc ông cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm