1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

TPHCM:

Khó dẹp vì nhiều người lấn chiếm vỉa hè có tiền, có lực, có quan hệ

(Dân trí) - Kinh doanh lấn chiếm vỉa hè ở TPHCM không chỉ là người nghèo mà ở đó còn có nhiều đối tượng có tiền, có lực và có mạng lưới quan hệ xã hội rất lớn. Quan trọng hơn, thói quen ăn uống vỉa hè của người dân cũng khuyến khích hành vi lấn chiếm vỉa hè.

Cần từ bỏ thói quen ăn uống vỉa hè

Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM phối hợp cùng Đài Truyền hình TPHCM tổ chức ngày 4/3, ông Vũ Thanh Lưu – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM – cho biết qua công tác giám sát thì nhận thấy tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn diễn ra.

Một quán cà phê bị phạt 5 triệu đồng vì đề xe lấn chiếm vỉa hè
Một quán cà phê bị phạt 5 triệu đồng vì đề xe lấn chiếm vỉa hè

“Một số địa phương chưa có chiến lược lâu dài, bền bỉ. Một số anh chị em cán bộ địa phương ngại đụng chạm nên làm chưa quyết tâm. Tâm lý đẩy đuổi, hù dọa là chủ yếu. Việc xử lý hành vi chống đối cũng chưa mạnh tay”, ông Lưu nói.

Bên cạnh đó, ông Lưu đề nghị UBND TPHCM sớm chỉ đạo các địa phương, cho phép sử dụng một phần lòng, lề đường tại một số tuyến đường có xe lưu thông ít để tập trung người bán hàng rong. Việc này giúp cơ quan chức năng dễ quản lý, đảm bảo trật tự xã hội và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, ông Trương Lâm Danh – Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM – cho biết các địa phương có quan tâm đến mưu sinh của người dân, bằng cách kẻ vạch sơn vỉa hè, cho phép sử dụng một phần để buôn bán, phần còn lại dành cho người đi bộ.

Tuy nhiên, vấn đề bất cập là nhiều người không chấp hành đúng quy định mà tái lấn chiếm. Song hành vi lấn chiếm không bị xử lý đến nơi đến chốn nên dẫn đến dư luận có sự “chống lưng”, “bảo kê” của cán bộ phường.

Cũng theo ông Danh, hiện có một số địa phương không quản lý được trật tự vỉa hè nên làm rào chắn, thậm chí rào luôn barie gây khó khăn cho người đi bộ, nhất là người khuyết tật.

“Ngay trường đại học Nguyễn Tất Thành trên đường Nguyễn Tất Thành có rào chắn, người dân không buôn bán được thì tràn xuống đường chiếm chỗ bán. Người khuyết tật không thể đi được. Ngoài ra, tình trạng này cũng xảy ra ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhiệt Đới”, ông Danh nói.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu xã hội học, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm nghiên đô thị và phát triển – phân tích rằng, hiện có 2 nhóm đối tượng chính tham gia mua bán, kinh doanh vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Lực lượng trật tự đô thị quận Bình Thạnh xử lý lấn chiếm vỉa hè xung quanh chợ Bà Chiểu
Lực lượng trật tự đô thị quận Bình Thạnh xử lý lấn chiếm vỉa hè xung quanh chợ Bà Chiểu

Thứ nhất là người nghèo kiếm kế mưu sinh bên lề đường, đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương. Thứ hai là đối tượng có thu nhập, đồng thời có điều kiện tiếp cận lòng, lề đường.

“Đối với nhóm đối tượng này thì việc lập lại trật tự lòng, lề đường cũng nhạy cảm không kém gì so với người nghèo vì họ có tiền, có lực và có mạng lưới quan hệ xã hội rất lớn ở đằng sau”, TS Quỳnh Trân khẳng định.

Về các giải pháp chấn chỉnh trật tự vỉa hè, TS Quỳnh Trân cho rằng đối với người nghèo, không có nghề nghiệp mà xóa bỏ ngay, không cho bán vỉa hè thì không nên.

“Việc giải quyết cho nhóm đối tượng này là khó khăn và lâu dài. Lập phố hàng rong thì suy cho cùng cũng lấn chiếm đất đô thị, hạn chế không gian nghỉ ngơi, giải trí của mọi người. Đây cũng là giải pháp tạm thời. Song đối với những người lớn tuổi thì rất khó dạy nghề để chuyển đối nghề nghiệp. Cho nên phải có giải pháp lâu dài, đào tạo nghề, tạo việc làm để con cháu họ không ra đường kiếm ăn nữa”, bà Trân nói.

Cũng theo TS Quỳnh Trân, nhóm đối tượng thứ hai lấn chiếm vỉa hè để tăng thu nhập. Họ có tâm lý vỉa hè là của chung, ai “xí” được trước thì sử dụng. Do đó, phải vận động, tuyên truyền để nhóm đối tượng này tham gia vào công tác lập lại trật tự vỉa hè.

“Ngoài ra, nhóm đối tượng thứ ba ít ai nghĩ tới, nhưng xét về góc độ xã hội thì họ là người vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Đó là người sử dụng dịch vụ của nhóm đối tượng thứ hai, chẳng hạn như ăn nhậu trên vỉa hè. Họ là nhân tố khuyến khích lấn chiếm lòng, lề đường. Phải làm sao cho họ bỏ được thói quen ăn uống, sử dụng dịch vụ của người chiếm lề đường”, bà Trân nói.

Người dân đóng vai trò trung tâm

Ông Trần Quang Lâm – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM – cho biết hiện nay đơn vị đang xây dựng tiêu chí quản lý vỉa hè. Trong đó, quy định vỉa hè rộng trên 3m thì kẻ vạch cho để xe, còn chừa lại 1,5m cho người đi bộ. Vỉa hè rộng trên 5m thì sắp xếp tổ chức thêm hoạt động khác.

Lực lượng trật tự đô thị quận 10 xử lý một quán nhậu vi phạm lấn chiếm vỉa hè
Lực lượng trật tự đô thị quận 10 xử lý một quán nhậu vi phạm lấn chiếm vỉa hè

“Hiện đề án đang được các sở, ngành liên quan đóng góp ý kiến. Sau khi được thông qua sẽ công bố công khai cho người dân được biết, thực hiện thống nhất”, ông Lâm nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết hiện nay thành phố có 4.151 tuyến đường (dài 4.535km), trong đó có 1.880 tuyến không có vỉa hè. Trong số 2.271 tuyến đường có vỉa hè thì chỉ có 772 tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m.

Theo ông Tuyến, hiện hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, chợ tự phát gây mất trật tự giao thông còn phổ biến. Nhiều người trục lợi từ vỉa hè cũng như tiếp tay, bảo kê cho kinh doanh vỉa hè.

“Ở TP kinh doanh vỉa hè thu lợi nhuận rất lớn. Nhiều người bán một ngày sống được một tuần cho nên có bị phạt cũng chịu. Vi phạm thì đã rõ nhưng đây là mưu sinh và thu lợi nhiều nên thu hút người ta”, ông Tuyến nói.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TPHCM cũng chỉ ra rằng việc buôn bán vỉa hè gây mất trật tự cũng xuất phát từ ý thức của người dân đi mua: “Vẫn có tình trạng chân trong, chân ngoài, chân trên chân dưới... Đây là thói quen không tốt. Tổ chức vào chợ bán thì ít người mua. Bên ngoài thì có người khác tới bán nên liên tục xảy ra cảnh đẩy đuổi”.

Một lần nữa, ông Tuyến khẳng định chủ trương nhất quán của thành phố lầ lập lại trật tự lòng, lề đường. Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và sẽ có chuyên đề riêng về quản lý vỉa hè, quy định vai trò trách nhiệm của người có mặt tiền vỉa hè, giải pháp quản lý mặt tiền vỉa hè chung.

Kết thúc chương trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: “Trong công tác lập lại trật tự lòng, lề đường thì vai trò trung tâm chính là người dân thành phố. Người làm tốt thì kết quả tốt nếu không thì tình trạng lấn chiếm sẽ còn kéo dài”.

Bên cạnh đó, bà Quyết Tâm đề nghị các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm. Theo bà, nhiều nơi còn né tránh sợ đụng chạm, việc này không loại trừ hành vi tiêu cực thao túng cho hộ gia đình, doanh nghiệp vi phạm.

Quốc Anh