1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc Hội khóa XII

“Khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% GDP”

(Dân trí) - “Năm nay phát triển kinh tế chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% GDP. Các vấn đề nổi cộm là lạm phát cao 24%, nhập siêu lớn (ước tính 19 tỷ USD, bằng 29% kim ngạch xuất khẩu), cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc”.

Sáng nay 16/10, kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XII đã chính thức khai mạc.

 

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2008 trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định bên cạnh những chuyển biến tích cực bước đầu, cần nhận rõ những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế.

 

Bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nhập siêu vẫn tăng

 

Tổng dư nợ tín dụng trong năm 2008 (30%) đã giảm gần 1 nửa so với năm ngoái. Tỷ lệ nhập siêu và mức tăng giá tiêu dùng trong năm nay đã giảm dần qua từng quý. Dự kiến hết năm nay nhập siêu 19 tỷ USD, bằng khoảng 29% kim ngạch xuất khẩu (so với quý I, nhập siêu bằng 62,4% kim ngạch xuất khẩu).

 

Tuy nhiên theo nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, vấn đề đáng lưu ý là tốc độ xuất khẩu và giá trị xuất khẩu đều thấp hơn tốc độ và giá trị nhập khẩu nên giá trị nhập siêu sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhập siêu tại các khu vực kinh tế trong nước cũng cao hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Tháng 9, mức tăng giá tiêu dùng cũng giảm xuống còn 0,18% (so với tháng 5 mức tăng lên tới gần 4%/ tháng), cả năm ước tính cả năm mức tăng giá tiêu dùng là 24%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng vẫn cao gấp 2 lần năm ngoái và là mức cao nhất trong 10 năm nay.

 

Đối với xăng dầu, chính phủ đã thực hiện cơ chế giá thị trường và xóa bù lỗ đối với mặt hàng này.

 

Xuất khẩu ước tính tăng 33,9%, đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Nhưng loại trừ yếu tố tăng giá (do 2 mặt hàng nông nghiệp và khoáng sản) thì thực chất xuất khẩu tăng chưa đến 15%. Hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là khoáng sản thô, nông sản, hàng sơ chế, gia công có giá trị gia tăng thấp.

 

Chính phủ cũng đã đình hoãn, giãn tiến độ trên 3.100 công trình, dự án và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên của các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Thu ngân sách cũng vượt dự toán đầu năm, dự trữ ngoại hối tăng thêm 2,7 tỷ USD cũng góp phần giảm bội chi ngân sách và ổn định kinh tế. Tuy nhiên thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh tăng không đáng kể.

 

Khu vực dân doanh là động lực chính của đầu tư phát triển

 

Tổng số vốn đầu tư của khu vực dân doanh ước đạt 180 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong đầu tư phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước cả năm cũng đạt 60 tỷ USD, gấp 3 lần năm ngoái.

 

Tuy cùng chịu khó khăn chung, nhưng giá trị công nghiệp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (20,9% và 17,9%). Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ tăng 5,9%.

 

Với cơ chế phân cấp như hiện nay, báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Kinh tế QH nhận xét rằng rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư cũng như khả năng trả nợ của các Tổng công ty Nhà nước.

 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khó khăn do thiếu vốn. Trong bối cảnh khủng hoảng chung, việc thắt chặt tín dụng và duy trì lãi suất cao của ngân hàng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc thậm chí ngừng hoạt động, sẽ gây tác động xấu trong trung và dài hạn.

 

Một số sắc thuế thiếu lộ trình minh bạch cũng gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Riêng trong năm qua đã có 2 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô, 3 lần điều chỉnh thuế xuất phôi thép, 2 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu gạo.v.v.

 

Báo động ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Kinh tế QH chỉ ra 8/25 chỉ tiêu dự báo đã không hoàn thành kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội cho thấy có sự phát triển thiếu bền vững trong trung hạn.

 

Tỷ lệ tái nghèo tăng và tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao (13,1%), không đạt chỉ tiêu giảm nghèo. Chỉ tiêu tạo việc làm mới cũng thấp hơn kế hoạch (mục tiêu 17 triệu việc làm). Mức giảm tỷ lệ sinh chỉ đạt 0,1%o, thấp hơn kế hoạch.

 

Chính phủ cũng nhận định việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội còn chậm và hiệu quả thấp, nhất là về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Tội phạm hình sự chưa giảm nhiều, trong đó tình trạng tội phạm thanh, thiếu niên là đáng lo ngại.

 

Đáng báo động là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường và xử lý tội phạm môi trường, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn.

 

Trong 9 tháng đầu năm đã có tới 400 vụ đình công, số lượng vụ đình công cao nhất trong nhiều năm nay.

 

2009 - Đưa lạm phát xuống dưới 15%

 

Tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng cường mức độ an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và thực hiện có hiệu quả các chính sách về tiền tệ, tài khóa, đầu tư, xuất nhập khẩu nhằm đưa lạm phát xuống 15% được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ trong năm 2009 tới.

 

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% GDP, đưa tỷ lệ lạm phát xuống dưới 15%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 76,7 tỷ USD (tăng 18% so với 2008), tổng vốn đầu tư toàn xã hội 725 nghìn tỷ đồng (40% GDP). Chính phủ cũng phấn đấu tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động, giảm số hộ nghèo xuống còn 12%  và diện tích nhà đô thị đạt 12,2 m2/ người.

 

Minh Việt