Kho báu huyền thoại của người Mường Voong hơn 400 năm trước

Bốn năm trước, tôi đã từng đi bộ qua hàng chục bản làng của 2 xã Cẩm Tú và Cẩm Quý. Trong cuộc “thám hiểm” ấy, tôi nghe bà con thì thầm bảo nơi đây ẩn giấu một kho báu vô cùng quý giá của tộc người Mường Voong

Ở các nước- dù là phương Đông hay phương Tây - đều có những câu chuyện kỳ bí về những người chuyên đào mồ, bật quan tài các vị vua chúa để tìm kiếm kho báu. Có kẻ vừa lấy xong liền lăn đùng ra chết. Người ta bảo, đó là lời nguyền từ xác chết. Nghe có vẻ rùng rợn, nhưng tôi vẫn quyết đi tìm những kho báu qua bảo vật cổ tại  xã Cẩm Tú và xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy, Thanh Hóa).

 

Dò tìm kho báu cổ

 

Bốn năm trước, tôi đã từng đi bộ qua hàng chục bản làng của 2 xã Cẩm Tú và Cẩm Quý. Trong cuộc “thám hiểm” ấy, tôi nghe bà con thì thầm bảo nơi đây ẩn giấu một kho báu vô cùng quý giá của tộc người Mường Voong. Cách đây khoảng hơn 400 năm, tộc người này đã di cư đến đây, ban đầu chỉ có khoảng gần tám chục người.

 

Chẳng ai biết nguồn gốc của họ bắt nguồn từ đâu. Có người bảo đó là một nhóm người sống ẩn sâu trong cánh rừng thâm u nào đó ở Lai Châu hay Sơn La di cư sang. Có người lại bảo tổ tiên người Mường Voong là người nguyên thủy sống trong hang Con Mong ở Thạch Thành, giáp rừng già Cúc Phương.

 

Cụ Nguyễn Quang Huy - là người lớn tuổi nhất dòng họ Nguyễn ở làng Đàn - bảo: “Giờ gần 80 tuổi, chẳng mấy chốc nữa tao về trời, nhưng báu vật huyền thoại không kể ra chắc con cháu nó quên hết thôi. Ngày xưa còn nhỏ, vào hội xuân, các cụ già thường ngồi trên nhà sàn kể chuyện về kho báu của người Mường Voong cho bọn tao nghe. Phải nói rằng, vùng đất này có lắm điều kỳ quái”.

 

Đồn rằng, ngay trên địa bàn xã Cẩm Tú có một ngôi chùa có tên là Mỏng thuộc thôn Cẩm Hoa ngày nay. Nói là chùa nhưng thực ra là một hang đá, bên trong có tượng hình một cậu bé trần truồng há miệng lên trời. Hằng ngày, lũ trẻ chăn trâu vẫn thường trèo lên đấy nô đùa xung quanh bức tượng mà không hề biết nơi đây ẩn chứa một kho báu.

 

Khi chiến tranh kết thúc, nghe nói một số người Pháp đã đi ôtô đến đây, rồi mở bản đồ ra. Sau đó họ múc một xô nước rồi trèo lên đổ vào mồm bức tượng. Nước từ “của quý” của “cậu bé” tượng đấy “bắn” ra một vị trí cách đó 2m. Thế là họ liền dùng cuốc xẻng đào xuống. Bên dưới có rất nhiều thùng sắt khóa kín đã hoen gỉ.

 

Trai tráng dùng búa ra sức phá khóa, vừa bật nắp ra liền lóa hết cả mắt. Hóa ra là toàn là vàng, các thanh vàng óng ánh to như những viên gạch. Nghe kể, kho báu đó có từ hồi thực dân Pháp đô hộ, nhận thấy tình hình có biến, chúng liền cất giấu trước khi chạy trốn, hy vọng sẽ có ngày quay lại lấy.

 
Kho báu huyền thoại của người Mường Voong hơn 400 năm trước
Ông Cao Sơn Hải - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Thanh Hóa - người chuyên sưu tầm bảo vật cổ về người Mường Vong.
 

Cách đây chục năm, người dân làng Cùng đã đào được 3 chiếc trống đồng rồi đem nộp cho chính quyền. Trên mỗi mặt trống nghe nói có hình 4 con cóc ở 4 phía đông, tây, nam, bắc. Người ta bảo rằng đó là loại trống đồng Đông Sơn cổ, cả 4 con cóc ấy đều được làm bằng đồng đen, mệnh danh là “mẹ của vàng” nên quý lắm!

 

Già Huy nói với tôi rằng, bí ẩn đằng sau những kho báu ấy phải lục lại lịch sử của tộc người Mường Voong. Truyền rằng, người khai sáng ra vùng đất này là Cao Thanh. Vào thời Vĩnh Trị nhà Lê (1676 - 1705), Cao Thanh đưa con cháu mình đến đây lập làng, khai hoang, săn bắn thú dữ, dạy dân nghề cày cấy, dệt thêu.

 

Ngày 1/9 năm nọ, vào giữa giờ Thìn, ngài cưỡi ngựa vào rừng săn hổ. Đến chiều về qua xứ đồng Ăn bỗng nhiên ngã ngựa mà mất. Lúc đó trời cũng đã tối. Dân làng thấy ngài mất nên chạy ra rất đông. Đến chỗ ngài nằm xuống thì thấy một ụ mối đùn lên rất to. Mọi người cảm mến công ơn của ngài nên lập đền thờ phụng. Năm Vĩnh Hựu (1735-1740) thứ năm, ngài được khâm phong là “Thành hoàng Đại vương Tối linh thần”.

 

Ngày nay bí ẩn mật về kho báu của người Mường Voong không chỉ ghi trong bản sắc phong của Cao Thanh, mà ngay cả bản sắc phong về thành hoàng làng Chiềng là Cao Ung cũng chứa bí mật đó.

 

Trong một lần đàm đạo với ông Cao Sơn Hải - nguyên là Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cũng là người đã bỏ ra nhiều năm viết cuốn “Truyện cổ Mường Voong” do NXB Văn hóa dân tộc xuất bản - tôi mới biết rằng bí mật về kho báu của người Mường Voong đều được ghi trong các bản sắc phong của dòng họ Cao ở làng Ăn thuộc xã Cẩm Tú ngày nay.

 

Ông bảo, nếu là người có duyên thì sẽ được chiêm ngưỡng kho báu. Tôi hỏi phải chăng những di chiếu cổ ấy là tấm bản đồ chỉ đường hay chiếc chìa khóa mở ra kho báu, ông Hải chỉ nhìn tôi cười đượm vẻ huyền bí.

 
Bản sắc phong dưới các đời vua của người Mường Voong.
Bản sắc phong dưới các đời vua của người Mường Voong.
 

Kho báu đằng sau những bức di chiếu cổ

 

Phải mất nhiều ngày trời tôi mới tìm hiểu được người đang cất giữ 3 tấm bảo vật qua các triều đại, đó là ông Cao Văn Hưng -Trưởng dòng họ Cao ở làng Ăn. Ông Hưng vốn là thầy giáo dạy tiểu học, nay đã về hưu.

 

Chìa khóa vạn năng để hé lộ bí mật kho báu của người Mường Voong mà ông Hưng cho chúng tôi xem là 4 bộ sắc phong do các đời vua ban, gồm các bản sắc phong của Vua Lê Ý Tông - niên hiệu Vĩnh Hựu thứ năm; bản sắc phong của Vua Thành Thái - vị vua thứ mười của nhà Nguyễn và hai bản sắc phong còn lại dưới thời Duy Tân và Khải Định.

 

“Hỏi khí không phải, tại sao dòng họ của mình có kho báu mà không lấy chia ra cho con cháu? Hay bên trong còn có các lời nguyền kiểu hễ ai đụng vào sẽ chết?” - tôi hỏi. Ông Hưng bình thản bảo tôi rằng, cứ đọc đi rồi sẽ hiểu.

 

Trong các bản sắc phong này có ghi chép cụ thể về hàng trăm câu chuyện truyền thuyết bất hủ của người Mường Voong. Thuở xưa, ở làng Chiềng có một ông già tên là Thuật nhặt được quả trứng rồi cho gà ấp. Sau ba tuần trăng liền nở ra một con quái vật có mào, giống như con thuồng luồng. Mọi người gọi là ma khú.

 

Khi quái vật lớn, ông già đưa ra đầm Vực gần sông Mã thả. Con thuồng luồng lặn xuống dòng sông, một hồi sau bỗng thấy nước nổ đùng đùng rồi nó ngoi lên bờ nói rằng, dưới đó có một con quái vật thành tinh khác đang ngự nên không thể ở được.

 

Ông lão lại đưa con thuồng luồng ra sông Ngang (nay gọi là sông Bưởi). Cũng năm đó, dân làng Chiềng bị hạn hán. Nghĩ đến vùng đất đã nuôi dưỡng mình, thuồng luồng khoét một đường hầm từ sông Ngang vào làng Chiêng, nhưng lúc ngóc đầu lên lại đâm nhầm phải các làng Ăn, làng Đầm, làng Chang.

 

Ngày nay, trước đầu những làng ấy vẫn còn dấu vết là các giếng tịt vẫn được bà con kè đá hẳn hoi. Cuối cùng, thuồng luồng ngóc đầu lên ngọn núi cao nhất gọi là Ái Nàng để xác định vị trí quê hương. Chính trên ngọn núi ấy, nơi quái vật ngóc đầu chính là một bát nước bằng đá, cứ tát đi nước lại tự động đầy. Bát nước ấy ngày nay vẫn còn trên ngọn núi Ái Nàng.

 

Mấy năm sau ông Thuật qua đời. Hôm đó trời tối om, cá từ dưới hai cái giếng của làng Chiềng nhảy bật lên nhiều vô kể. Chính cái giếng này ngày này chưa ai có thể tát cạn được. Nước giếng lúc nào cũng đầy ăm ắp, dù chúng chỉ sâu có 2 mét.

 

Ông Bùi Minh Thông - Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú - xác nhận với tôi rằng điều đó là sự thật. Ông bảo, năm 1990 khi mọi người đang tôi vôi để tu bổ lại đôi giếng, bỗng nhiên nước từ miệng giếng cứ phun trào lên như nồi canh sôi, kèm theo với đó là tiếng nổ đùng đoàng. Bà con hoảng quá liền làm cơm để thờ cúng thì tình trạng mới chấm dứt.

 

Trở lại với câu chuyện con thuồng luồng. Rằng, khi ông Thuật chết thì trời âm u, mưa dông rất lớn. Hôm đó người ta bỗng phát hiện ra trên nóc nhà có một con vật khổng lồ to dài tới hàng chục mét. Đó chính là con thuồng luồng mà ông Thuật nuôi từ nhỏ. Mọi người đều nghĩ rằng nó về đưa tang ông Thuật.

 

Sau này, thuồng luồng trở lại sông Bưởi tác oai tác quái. Nghe nói cứ thuyền bè đi lại trên sông là nó quẫy mình nhấn chìm. Song ai đi qua sông Mã thấy nước dâng sóng lớn, chỉ cần xưng là con dân làng Chiềng thì thuồng luồng liền tha mạng. Thấy thuồng luồng ngang tàng, dân thuyền chài đã đem hàng trăm tấn vôi đổ xuống sông Bưởi. Nước sông sôi, thuồng luồng chết, xác thuồng luồng trải dài một khúc sông. Người dân làng Chiềng được báo tin liền mang một 100 cái chiếu đôi mới đắp kín thân thể của thuồng rồi mai táng.

 

Nghe nói, sau đó câu chuyện này lan truyền vào trong kinh. Nhà vua liền sắc phong cho thuồng luồng là Thành hoàng Đại vương Tối linh thần. Ngày nay, bản sắc phong ấy vẫn được dòng họ Cao ở làng Chiềng cất giữ.

 

Đây chỉ là một trong những hàng trăm câu chuyện cổ của người Mường Voong xưa để lại gắn liền theo các di tích ngày nay. Cuối cùng, ông Cao Văn Hưng nhìn tôi cười khà khà, bảo: “Những truyền thuyết, những câu chuyện lạ lùng và linh thiêng mới chính là kho báu của người Mường Voong tao, kho báu vô giá đấy nhà báo ạ!”.

 

Theo Nguyễn Xuân Hoàng

Lao động