Đắk Lắk:
Khi voi Tây Nguyên bỗng “hóa điên”
(Dân trí) - Sự việc một con voi đực 48 tuổi tại huyện Lắk húc tử vong một nài voi đã khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao voi nhà bỗng “hóa điên” và việc cưỡi voi có thực sự an toàn cho du khách?
Voi hung hãn tấn công cả người chăm sóc
Ngày 26/5, ông Võ Ngọc Tuyên – Bí thư Huyện ủy Lắk (Đắk Lắk) cho biết, các cơ quan chức năng đang khẩn trương vào cuộc làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc một con voi nhà húc tử vong một nài voi (người chăm sóc voi) và xem xét làm rõ trách nhiệm liên quan.
Trước đó, con voi đực Y Mâm (49 tuổi) thuộc quyền sở hữu của ông Đàng Nang Long (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã hung hãn húc chết nài voi Y Đrim Kuăn (32 tuổi, ngụ xã Yang Tao, huyện Lắk) khi nài voi này đang tháo dây xích.
Bước đầu, phía Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nhận định, con voi đực Y Mân đang trong thời kỳ động dục nên rất hung dữ và sẵn sàng tấn công người. Điều đáng nói, nài voi Y Đrim là người đã có kinh nghiệm trên 4 năm chăm sóc voi nhưng vẫn bị voi húc và quật tử vong.
Được biết, tại huyện Lắk những con voi được nuôi chủ yếu để phối giống và phục vụ du lịch. Trong đó, mô hình cưỡi voi tham quan và cưỡi voi vượt sông được du khách rất ưa thích, đem lại nguồn thu đáng kể cho chủ voi và cho các công ty du lịch.
Ông Nguyễn Sơn Hưng - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đắk Lắk, cho biết, voi bỗng dưng tấn công người có thể do nhiều lý do như: động dục, thời tiết nóng bức thất thường, phục vụ du lịch quá mức, voi bị đói hoặc có vấn đề xung đột… dẫn đến tâm sinh lý thất thường.
Các vấn đề quản lý, sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch đã được UBND tỉnh, Trung tâm bảo tồn voi và Sở VH-TT&DL có những văn bản khuyến cáo đến các công ty du lịch, chủ voi hướng dẫn về việc sử dụng voi an toàn trong du lịch và phải đảm bảo an toàn cho nài voi cũng như du khách tham gia việc cưỡi voi.
Theo ông Hưng, qua nhiều đợt kiểm tra, Sở VH-TT&DL đã nhiều lần đề nghị chủ voi, các đơn vị du lịch mua bảo hiểm cho nài voi lẫn du khách nhưng khi triển khai việc mua bảo hiểm lại gặp nhiều khó khăn bởi các đơn vị bảo hiểm chưa có quy định bán bảo hiểm cho voi.
“Chỉ những công ty lữ hành mới có thể mua trọn gói bảo hiểm cho du khách (bảo hiểm toàn bộ chuyến đi), còn những du khách tự đi du lịch thì khó được đảm bảo quyền lợi nếu có sự cố”, ông Hưng cho hay.
Hiệu ứng tích cực khi chuyển từ mô hình cưỡi voi sang ngắm voi
Vào tháng 7/2018, Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ cho Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn Đắk Lắk số tiền 65.000 USD để chuyển đổi từ mô hình du lịch từ cưỡi voi sang mô hình du lịch chiêm ngắm voi.
Ông Trần Đức Phương - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn - cho biết, hiện tại đàn voi 6 con của vườn đã tham gia vào mô hình du lịch thân thiện. Du khách đến với trung tâm sẽ được chiêm ngắm voi, tìm hiểu vẻ đẹp, đặc tính, hành vi tự nhiên của voi trong môi trường.
Qua đó, giảm tối đa các hoạt động tương tác chạm, tiếp xúc trực tiếp với voi; không sử dụng voi trong các hoạt động lễ hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên.
Cũng theo ông Phương, việc thay đổi mô hình du lịch với voi đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu đàn voi của trung tâm. Đặc biệt, mô hình này sẽ giảm bớt những nguy hiểm cho du khách khi họ không tiếp xúc trực tiếp như cưỡi voi, đứng cạnh để chụp ảnh với voi.
“Thời kỳ động dục của voi thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm và lúc này voi lập tức trở nên hung hãn. Người nài voi sẽ là người nắm bắt các dấu hiệu của con voi động dục (tai vểnh, nước mắt chảy và màu đục dần…) để chủ động đưa voi vào rừng, xích voi lại tránh tiếp xúc gần với con người, cung cấp đủ thức ăn nước uống cho voi trong suốt giai đoạn này”, ông Phương chia sẻ.
Ông Phương cũng cho rằng, việc con người đứng trước đầu con voi để chụp ảnh là việc rất nguy hiểm bởi ánh đèn chiếu sáng của điện thoại có thể gây cho voi hoảng sợ, khó chịu từ đó có những phản ứng bất ngờ, nên du khách phải hết sức lưu ý để đảm bảo an toàn khi tiếp cận voi; luôn phải giữ khoảng cách tối thiểu 30m để ngắm voi. Trong thời kỳ động dục, voi sẽ không tham gia bất cứ hoạt động du lịch nào.
Ông Nguyễn Sơn Hưng – Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL thừa nhận việc chuyển đổi mô hình từ cưỡi voi sang ngắm voi có những hiệu quả nhất định trong công tác bảo tồn voi. Tuy nhiên, để chuyển đổi toàn bộ voi nhà sang mô hình này đòi hỏi vấn đề về tài chính, thời gian và sự đồng thuận của những cá nhân, đơn vị sử dụng voi.
Ngay xảy ra sự việc đáng tiếc voi quật người tử vong, Sở VH-TT&DL tiếp tục có văn bản khuyến cáo về các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng dịch vụ voi.
Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch có cung cấp dịch vụ voi cần thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng của du khách; hướng dẫn, cảnh báo cho khách tuân thủ các quy tắc khi tiếp xúc với voi, để sử dụng dịch vụ voi nhà an toàn.
Phải phân bố thời gian hợp lý hoạt động của voi, không được khai thác quá sức voi nhà (voi phục vụ mức dưới 4 giờ/ngày kể cả thời gian chờ và chở khách và không quá 3 ngày/tuần), đảm bảo thời gian cho voi được nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khỏe; phối hợp với các chủ voi, nài voi, cơ quan liên quan khác nắm bắt tâm lý của voi nhà trong từng thời kỳ để hướng dẫn, cảnh báo cho du khách. Không đưa voi tham gia các loại hình dịch vụ gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của voi
Thúy Diễm