1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Khỉ tràn về phá tan hoang hoa màu của dân

(Dân trí) - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đakrông (Quảng Trị) xuất hiện tình trạng khỉ tràn về rẫy tàn phá hoa màu của người dân. Nhiều rẫy ngô đang trong giai đoạn ra hạt bị phá tan hoang.

Hiện chưa có thông tin chính xác về số lượng cá thể khỉ, nhưng theo ước lượng có khoảng hàng chục con. Nhiều người dân địa phương khi lên rẫy canh tác đã sững sờ phát hiện hoa màu của mình bị cắn phá tan hoang. Trên mặt đất cũng xuất hiện rất nhiều dấu chân khỉ.

Được biết, khỉ xuất hiện ở các bản Vũng Kho (xã Đakrông) và các bản Tà Mên, Đá Bàn (xã Ba Nang) vào thời điểm sáng sớm và chiều muộn. Những lúc trời nắng ráo, khỉ càng hoạt động dữ dội hơn, quét sạch rẫy sắn, ngô đang thời kỳ ra hạt. Rất nhiều rẫy ngô bị khỉ cắn nát, vương vãi khắp nơi. Theo một số cán bộ trạm kiểm lâm Đakrông, khỉ về phá rẫy của người dân là loài khỉ vàng, có thể từ khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông hoặc rừng phòng hộ.

Nhiều rẫy ngô của người dân bị khỉ phá hoại
Nhiều rẫy ngô của người dân bị khỉ phá hoại

Anh Pả Kưng bức xúc nói: "Nhà tui trồng 2 ha ngô nhưng gần đến vụ thu hoạch thì bị khỉ phá sạch. Mất tiền triệu để mua giống về trồng nhưng nay có nguy cơ mất trắng. Để vớt vát chút ít, tui đành phải thu hoạch non và nhặt nhạnh những gì sót lại mang về cho gia súc ăn".

Người dân địa phương cũng cho hay, khu vực này trước kia có nhiều người canh tác nhưng vì khỉ phá liên tục nên họ bỏ nương rẫy đi làm thuê. Mùa khỉ về nhiều nhất thường từ Tết Nguyên đán đến hết hè, đặc biệt là dịp thu hoạch ngô.

Trước sự tàn phá kinh hoàng mà không hiểu nguyên nhân, người dân địa phương đã làm những con bù nhìn, treo dây có lục lạc hoặc đặt bẫy nhưng không phát huy hiệu quả.

Ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông xác nhận thông tin trên. Ông Tiến cho biết, đơn vị chưa có biện pháp nào hợp lý để ngăn chặn khỉ về phá cây trồng. "Việc này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bà con. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không săn bắt khỉ. Hiện cơ quan chức năng chưa có nghiên cứu cụ thể về số lượng cá thể, khu vực sinh sống hay tập tính di chuyển của đàn khỉ này để đưa ra giải pháp” - ông Tiến nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Văn Tiếp, Phó Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông cho biết: "Những năm gần đây đã liên tục xuất hiện tình trạng khỉ tràn về phá hoại hoa màu của người dân. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin và đang xác minh từ cơ sở".

Đăng Đức