1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khi nào cần phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra?

Thế Kha

(Dân trí) - Việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Trong đó, 2 nội dung đáng chú ý liên quan phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra.

Khi nào cần phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra? - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: P.H).

Phong tỏa tài khoản khi có dấu hiệu tẩu tán

Theo dự thảo, việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.

Dấu hiệu tẩu tán tài sản gồm: Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản; có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán.

Tài khoản bị phong tỏa là tài khoản thanh toán của đối tượng thanh tra mở tại tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản.

Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác (nếu có).

Thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt ngay trong giai đoạn thanh tra

Thanh tra Chính phủ đề xuất, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định thu hồi ngay tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra khi có căn cứ rõ ràng về hành vi vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình, chủ động nộp lại tiền tài sản đã chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Khi đó, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra. Nếu tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan nhà nước thu hồi theo thẩm quyền. Tài sản là động sản và giấy tờ có giá thì căn cứ vào tình hình thực tế sẽ giao cơ quan có thẩm quyền quản lý…

Quyết định thu hồi được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý tiền, tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép có trách nhiệm chấp hành quyết định của người ra quyết định thanh tra về thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra.