Khi có vụ việc phải thông tin cho báo chí ngay trong ngày
(Dân trí) – Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mới vừa được Thủ tướng ký quyết định ban hành, trong trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu, cơ quan chức năng cần cung cấp chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.
Cụ thể, Quyết định 25/2013 ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sẽ có hiệu lực từ 1/7/2013 thay thế cho quy chế hiện hành áp dụng từ năm 2007. Quy chế mới “cập nhật”, điều chỉnh nhiều nội dung mang tính thức thời.
Một điểm mới được bổ sung là các cá nhân cán bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh cơ quan đó để phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí. Quy định này đã xóa bỏ một “vùng cấm” đối với hoạt động phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí so với việc mặc định “không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn” trong quy chế cũ.
Bên cạnh đó, quy chế mới bổ sung quy định về một số trường hợp cơ quan nhà nước có quyền từ chối phát ngôn, cung cấp thông tin. Có 4 trường hợp cụ thể: không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật.
Người cung cấp thông tin phải trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Về thời điểm, thời hạn cung cấp thông tin, Quy chế mới ngoài việc ấn định định kỳ 1 tháng 1 lần cho Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phóng Chính phủ tổ chức cung cấp thông tin về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng bằng hình thức họp báo thì còn tăng tần suất yêu cầu việc cung cấp thông tin đối với các bộ ngành, UBND tỉnh từ 3 tháng/lần lên định kỳ hàng tháng. Việc tổ chức họp báo cũng tăng từ mức 6 tháng/lần lên định kỳ hàng quý (3 tháng/lần).
Quy chế mới xác định 3 trường hợp đột xuất, bất thường các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin cho báo chí, ngoài các cuộc tổ chức theo định kỳ. Theo đó, người phát ngôn có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.
Thời hạn này như vậy là đã rút ngắn một nửa so với quy định hiện hành (2 ngày).
Ngoài ra, người phát ngôn cũng phải chủ động cung cấp thông tin khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên hoặc khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
P.Thảo