1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khi bị xử lý mới nói trong nước mắt "không biết pháp luật nghiêm minh vậy"

Phùng Minh

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu thực tế có những người trong đội ngũ khi bị các cơ quan tố tụng, cơ quan pháp luật xử lý đã nói trong nước mắt là thực sự không biết pháp luật nghiêm minh như vậy.

Chiều 25/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá năm 2023 trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, biến động, tuy nhiên nước ta đã vượt qua các trở ngại, đạt được kết quả đáng khích lệ, trong đó có đóng góp đáng kể của ngành tư pháp.

Khi bị xử lý mới nói trong nước mắt không biết pháp luật nghiêm minh vậy - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị (Ảnh: An Như).

Nhận định các công việc đều khó, nhiều, có yêu cầu cao về tính tức thời, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ và ngành tư pháp đã cố gắng đạt được những kết quả tích cực.

Theo ông, vị thế của đất nước đang đi lên, đòi hỏi thể chế cần tiếp tục hoàn thiện. Điều này tạo áp lực cho ngành tư pháp trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật phù hợp với pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhìn nhận đây không chỉ là công việc của riêng Bộ Tư pháp mà còn là trách nhiệm chung của tất cả các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành tư pháp cần cố gắng hơn nữa để tìm ra giải pháp thực hiện, tháo gỡ vướng mắc đang gặp phải. Bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, chưa bao giờ, khái niệm "đúng quy định của pháp luật" lại được đặt ra thường xuyên và nghiêm khắc như hiện nay.

"Có những người trong đội ngũ khi bị các cơ quan tố tụng, cơ quan pháp luật xử lý đều nói trong nước mắt là thực sự không biết pháp luật nghiêm minh như vậy", Phó Thủ tướng nêu thực tế.

Từ đó, ông nhấn mạnh trách nhiệm của ngành tư pháp rất lớn, bởi luật xây dựng chuẩn chỉnh rồi nhưng phải để mọi người thấm thì mới có giá trị trong cuộc sống.

Đối với công tác xây dựng ngành, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành tư pháp cần có giải pháp để cán bộ yên tâm công tác, giữ được niềm tin với công việc, gắn bó với ngành. Để làm được điều này, trước hết, các lãnh đạo phải nêu cao ý thức gương mẫu và tạo được nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho đội ngũ.

Khi bị xử lý mới nói trong nước mắt không biết pháp luật nghiêm minh vậy - 2

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: An Như).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm trong toàn ngành những yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Bộ, ngành tư pháp sẽ quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và đưa các chủ trương, chính sách này đi vào cuộc sống.

Thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp thông tin, năm 2023 cơ quan này đã trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 nghị quyết; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ cũng đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 237 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và số tiền thụ lý đều tăng, nhưng thi hành án dân sự năm nay đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc thi hành xong, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế (tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022).

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký kết Quy chế phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch.

Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành thông qua triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu các loại; kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hơn 8,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 cơ sở dữ liệu này.

Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.