Thừa Thiên Huế:
"Khát" cát xây dựng, huyện xin cơ chế đặc thù khai thác
(Dân trí) - Ngày 13/9, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết huyện đang đề xuất UBND tỉnh và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh có định hướng, cơ chế đặc thù giúp huyện đưa vào khai thác các điểm quy hoạch cát sạn trên địa bàn. Nguyên do toàn huyện hiện nay không có cát phục vụ xây dựng.
Theo đó, khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, nguồn cát sạn ở huyện miền núi Nam Đông đã cực kỳ khan hiếm. Nhiều người dân, doanh nghiệp muốn có cát xây dựng công trình phải xuôi từ miền núi về miền xuôi 100 km để mua. Giá mỗi khối cát chở từ các bãi ở dọc sông Hương, thị xã Hương Thủy lên Nam Đông có giá trên 300 ngàn đồng/khối, tăng gấp đôi so với giá thông thường.
Trong khi đó, mặc dù ở huyện có khá nhiều nguồn cát sạn nhưng đến nay chưa có điểm nào được công nhận hợp pháp. Hiện tại nhiều nhà dân, công trình xây dựng phải chấp nhận mua cát từ miền xuôi với giá cao ngất ngưởng hoặc phải tạm dừng việc xây dựng.
Ông Trần Hoàng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đông cho biết, trước năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép thí điểm khai thác các điểm quy hoạch cát với 10 bãi. Tuy nhiên đến tháng 2/2016 thì việc thí điểm tạm ngưng đối với cả 10 bãi này.
Đầu năm 2018, UBND huyện Nam Đông đã có văn bản cấm tận thu, khai thác cát, sạn trên địa bàn toàn huyện. Do “khát” cát nên một số người dân đã làm liều, lợi dụng trời tối vào lấy cát trộm. Công an huyện và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã xử lý 2 trường hợp.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông trao đổi với PV, vào tháng 3/2018, huyện đã có tờ trình xin UBND tỉnh khơi thông, tận thu các nơi có cát sạn ở các điểm tại huyện phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn... nhưng đến nay tỉnh chưa phản hồi.
“Hiện mỗi năm huyện chúng tôi triển khai xây dựng khoảng 12 - 15km đường giao thông nông thôn, với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nguồn cát, sạn được tận dụng tại địa phương.
Hiện cơ quan chức năng đã khảo sát 5 điểm nhưng tỉnh chưa cho phép. Từ lúc bị cấm khai thác các bãi cát sạn, việc xây dựng giao thông nông thôn gặp không ít khó khăn. Huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh có phương án khai thác, tận thu các bãi cát, sạn trên địa bàn, để người dân có có nguồn cát, sạn tại chỗ nhằm xây dựng nhà, công trình” – ông Phụng cho ý kiến.
Các bãi khai thác cát sạn thí điểm tại huyện Nam Đông đang bị đình chỉ
Đại Dương