Quảng Nam:
Khánh thành cây cầu bê tông thay cầu phao của “kỹ sư hai lúa”
(Dân trí) - Sau 3 tháng xây dựng, sáng 20/8, cây cầu bê tông cốt thép chắc chắn đã hoàn thành thay thế cây cầu phao của “kỹ sư hai lúa” Lê Tất Dũng. Đây là mong ước của bà con nông dân ở thôn Phú Lộc (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) để hàng ngày qua sông an toàn.
Dù cây cầu bê tông với tổng giá trị xây dựng không lớn nhưng đây là cây cầu rất ý nghĩa với bà con nông dân ở đây bởi con sông Vu Gia ngăn cách giữa nhà dân và ruộng đồng từ bao đời nay.
Nhân ngày vui, ông Lê Toản - nhà có vào sào đất màu ở bên kia sông – vui mừng cho hay, từ nay những người nông dân như ông ở bên này sông không phải lo sợ khi qua sông nữa. Hàng hóa nông sản được thu hoạch cũng vận chuyển về nhà an toàn.
Trước đây, ông Lê Tất Dũng – một người dân ở đây cũng có vào sào đất màu bên kia con sông Vu Gia - thấy tình hình bà con đi lại khó khăn, nhất là mỗi khi mùa mưa bão đã tự làm một cây cầu phao cho bà con đi. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, cây cầu phao lại bị cuốn trôi.
Cuối năm vừa qua, cây cầu phao của “kỹ sư hai lúa” này cũng đã bị lũ cuốn trôi và sau đó ông phải làm lại với chí phí trên 75 triệu đồng.
Sau khi cây cầu phao của “kỹ sư hai lúa” bị cuốn trôi, qua thông tin trên Báo Dân trí và mạng xã hội, giữa tháng 5 vừa qua, một tổ chức từ thiện đã vận động xây lại cầu bê tông cho bà con.
Ông Nguyễn Tiết Trí – đại diện tổ chức từ thiện này – cho biết đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp để làm câu bê tông cho người dân đi. Theo ông Trí, số tiền xây cầu dưới 1 tỉ đồng, cầu rộng 2m, dài 70m với tải trọng 550 kg, nối đôi bờ của dòng Vu Gia.
Có được cây cầu mới, người dân nơi đây rất phấn khởi. Ông Lê Toản chia sẻ: “Từ nay có cây cầu bê tông này rồi, người dân chúng tôi đi làm đồng rất yên tâm, không phải lo sợ lọt sông hay lật ghe nữa. Trước đây đã có cây cầu phao của ông Dũng nhưng cũng không chắc chắn, nay cây cầu bê tông xong rồi, dân chúng tôi yên tâm rồi”.
Còn chủ nhân của cây cầu phao, ông Lê Tất Dũng - cũng vui mừng khi có cây cầu bê tông thay thế cây cầu phao “lỏng lẻo” của mình. Ông nói: “Dù cây cầu của tôi đã không còn phục vụ cho bà con nữa nhưng tôi cũng rất vui vì từ nay bà con nơi đây có cây cầu bê tông vững chắc cho bà con đi”.
Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch xã Đại An – ông Đỗ Văn Hòa nói: “Lãnh đạo địa phương rất phấn khởi, vui mừng vì có cây cầu bê tông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 2 thôn Nghĩa Nam và Phú Lộc đi làm đồng an toàn, nhất là mùa mưa bão sắp đến”.
Chủ tịch xã Đại An cũng gửi lời cảm ơn đến Báo Dân trí đã thông tin đến bạn đọc về cây cầu phao; các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất để cây cầu hoàn thành.
Còn cây cầu phao của ông Dũng, Chủ tịch xã Đại An cho hay sẽ chuyển về hạ du, cách chỗ hiện tại khoảng 3km thuộc thôn Phước Yên để thay thế cây cầu tre cho bà con ở thôn này đang sử dụng.
Công Bính