1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Dựng lại cầu phao của “kỹ sư hai lúa” bị lũ cuốn

(Dân trí) - Sau hơn 3 tháng làm lại, cây cầu phao của “kỹ sư chân đất” Lê Tất Dũng đã hoàn tất để người dân làm đồng đi lại dễ dàng. Ai cũng vui mừng sau mấy tháng đứt cầu vì mưa lũ, nay nông sản của bà con đã được thông đường vận chuyển.

Ngày 11/3, có mặt tại cây cầu phao vừa được sửa chữa xong, PV Dân trí chứng kiến từng đoàn xe máy của bà con nông dân xã Đại An (huyện Đại Lộc) chở hàng nông sản thu hoạch từ cánh đồng Phú Lộc trở về nhà dễ dàng.

Người dân chở nông sản đi lại trên chiếc cầu phao an toàn
Người dân chở nông sản đi lại trên chiếc cầu phao an toàn

Nhấp chén chè nóng bên đầu cầu, nông dân Ngô Văn Năm vừa chở một xe máy thuốc lá mới thu hoạch xong ở cánh đồng Phú Lộc về nhà; quệt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông nói: “Nói thiệt chứ nếu không có cây cầu phao của anh Dũng đây, chúng tôi vất vả lắm. Không có cầu, chúng tôi phải chèo ghe đưa từng bao phân và giống qua bên kia sông. Thời gian này thu hoạch mùa vụ nếu không có cầu chúng tôi không biết phải vận chuyển hàng nông sản về như thế nào”.

Mỗi ngày hàng chục lượt người dân ở xã Đại An đi qua cầu phao để làm đồng
Mỗi ngày hàng chục lượt người dân ở xã Đại An đi qua cầu phao để làm đồng

Ông Năm cũng như hàng chục nông dân khác bên này sông Vu Gia nhưng đồng ruộng lại ở bên kia sông. Hàng ngày, hàng chục người đi qua sông Vu Gia để làm đồng. Vốn cảnh qua sông phải lụy đò, từ khi có cây cầu phao của kỹ sư chân đất Lê Tất Dũng, việc đi lại của người dân địa phương dễ dàng hơn rất nhiều.

Cuối năm vừa qua, những trận mưa lũ liên tiếp làm nước sông Vu Gia dâng cao đã cuốn cây cầu phao này. Cuối năm 2016, PV Dân trí đã đến nơi chứng kiến ông Lê Tất Dũng đang tiến hành sửa chữa lại cây cầu.


Ông Lê Tất Dũng vừa hoàn thành việc sửa chữa cây cầu phao cho bà con

Ông Lê Tất Dũng vừa hoàn thành việc sửa chữa cây cầu phao cho bà con

Trao đổi với PV lúc đó, ông Dũng cho biết thời gian sửa chữa khoảng 1 tuần với kinh phí khoảng trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế việc sửa chữa phải đến 3 tháng sau mới hoàn thành với số tiền khoảng 75 triệu đồng.

Ông Dũng cho hay, lúc đầu khi cầu phao vừa trôi, ông tính chỉ sửa chữa lại với kinh phí khoảng 50 triệu đồng nhưng trong quá trình làm, nhận thấy sắt đã mục, các phao bị hỏng nên ông buộc phải làm mới lại cho bà con đi; do đó thời gian kéo dài đến hơn 3 tháng và kinh phí cũng bị đội lên.

“Tôi không có tiền mua vật tư làm nhưng có người quen nên mua chịu cũng được, còn công cán thì một mình tôi làm ngày làm đêm vì thuê người thì không có tiền trả lương. Nhiều lúc tôi làm quên trưa, quên tối, quên cả ăn để kịp phục vụ cho bà con trong mùa vụ” - ông Dũng chia sẻ.

"Kỹ sư hai lúa" kể lại chuyển sửa cây cầu phao bị lũ cuốn

Nông dân Ngô Văn Năm cũng chia sẻ: “Nhiều lúc đi ngang qua thấy chú Dũng làm ngày làm đêm mà thương chú quá. Chú cũng vì lo cho đường đi cho bà con mà vất vả, ai ở đây cũng nể chú”.

Ông Lê Tất Dũng cho biết, cuối năm ngoái, khi Báo Dân trí đăng bài về cây cầu bị lũ cuốn, sau đó có một tổ chức từ thiện ở TPHCM có về xem xét, đo đạc và hứa xây dựng cho bà con ở đây cây cầu bê tông. “Họ về khảo sát đo đạc hai lần rồi, hy vọng họ sẽ sớm hoàn thành cây cầu để phục vụ bà con. Có cầu bê tông cũng tốt vì cầu phao của tôi mưa lũ bị cuốn trôi hoài, làm lại cũng tốn kém”, ông Dũng nói.

Trao đổi với PV Dân trí về chiếc cầu phao này, ông Đỗ Văn Hòa – Chủ tịch xã Đại An (huyện Đại Lộc) - cho biết, việc ông Dũng sửa chữa lại cây cầu phao rất thuận lợi cho bà con, phục vụ cho bà con đi lại rất an toàn. “Để tạo điều kiện cho ông Dũng sửa chữa lại cầu, xã đã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí”, ông Hòa nói.

Ông Dũng cho biết, huyện Đại Lộc có hứa hỗ trợ 40 triệu để ông làm lại cầu nhưng đến nay, khi cầu đã làm xong, khoản kinh phí đo ông vẫn chưa được nhận. Do đó, ông rất mong huyện sớm hỗ trợ để ông thanh toán tiền vật tư.

Công Bính