Điện Biên:

Khánh thành cầu treo nơi học sinh phải chui túi nilon để vượt suối

(Dân trí) - Cầu treo dân sinh Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ đã hoàn thành - chấm dứt hoàn toàn cảnh qua suối bằng túi nilon của học sinh và người dân vùng dân tộc thiểu số tại đây. Bộ GTVT và UBND tỉnh Điện Biên đã khánh thành cầu sáng nay, 5/5.

Đây là cây cầu treo dân sinh đầu tiên trong chương trình xây dựng 186 cầu trên địa bàn 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên được Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì và triển khai.

Cầu treo Sam Lang tại xã Nậm Pồ đã hoàn thành

Cầu treo Sam Lang tại xã Nậm Pồ đã hoàn thành

Dự án cầu treo Sam Lang bắc qua suối Sam Lang bắt đầu được Bộ GTVT duyệt triển khai từ cuối tháng 3/2014, sau khi thông tin học sinh và người dân bản này hàng ngày phải qua suối bằng cách độc nhất vô nhị là chui vào túi nilon được đăng tải trên báo chí. Cách qua suối bằng túi nilon rình rập những nguy nhiểm và đặc biệt đe dọa đến tính mạng người vượt suối trong mùa mưa lũ.

Trong khi đó, đường vào Bản Sam Lang chưa được đầu tư xây dựng. Hiện tại, việc đi lại của người dân nhờ vào đường cắm mốc biên giới, đặc biệt trên đường vào bản phải vượt qua suối Nậm Pồ với lưu lượng nước lớn. Về mùa mưa, giao thông đi lại bị đình trệ, ảnh trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân hai bản Lai Khoang và Sam Lang.
 
Trước thực trạng mùa mưa lũ đang đến gần để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi đi lại qua suối Nậm Pồ, dự án cầu treo Sam Lang được Bộ GTVT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và giao cho Sở GTVT tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư Dự án. Theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Trưởng GTVT Đinh La Thăng, việc xây dựng cầu treo Sam Lang phải được thực hiện nhanh chóng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của học sinh và bà con đồng bào tại đây. Vì thế Bộ trưởng Thăng yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo kịp thời đúng tiến độ và chất lượng công trình xong trước ngày 7/5.

Sam Lang là cầu treo dây võng, chiều dài toàn cầu 100,4m, bao gồm một nhịp cầu treo dây võng bằng thép 70,4m. Khoảng cách từ trụ tháp đến mố neo là 15m; độ vồng 0,5m, chiều cao đường tên 5,3m; trụ tháp dạng chữ “H” bằng thép ống tổ hợp, chiều cao trụ tháp 7,0m. Bề rộng toàn cầu là 1,5m, bề rộng phần người đi lòng cầu là 1,3m.

Cáp chủ mỗi bên gồm 1 bó cáp phi 36mm lõi thép. Hai đầu cáp được liên kết với hệ tăng đơ, tăng đơ liên kết với mố neo thông qua chốt ắc cường độ cao và hệ neo giữ. Cáp chủ là cáp cường độ cao chuyên dùng cho cầu treo dây võng. Thanh treo thẳng đứng bằng thép tròn phi 14mm liên kết với cáp chủ bằng cụm chi tiết gồm khóa cáp, kẹp cáp, bu lông liên kết với hệ dầm thông qua tăng đơ cường độ cao. Dầm ngang bằng thép, mặt cắt hộp, kích thước 140x80x6mm, dầm dọc bằng thép, mặt cắt hộp kích thước 120x80x6mm, bố trí hệ giằng chéo bằng thép ống phi 50mm tăng ổn định cho hệ dầm. Mặt cầu bằng tôn nhám chống trượt dày 3mm. Lan can bằng thép tổ hợp từ thép ống và thép tấm. Tải trọng người đi bộ và xe thô sơ 2Kn/m2.

Nói về vấn đề chất lượng cầu treo Sam Lang, ông Nguyễn Đình Giang - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên - khẳng định, trong quá trình thi công xây dựng, Sở GTVT tuyệt đối không cho phép đưa sản phẩm không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vào công trình. Tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thi công, lắp đặt các cấu kiện đảm bảo độ chính xác theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Cầu treo được xây dựng đã chấm dứt cảnh các em học sinh và người dân phải qua suối bằng túi nilon

Cầu treo được xây dựng đã chấm dứt cảnh các em học sinh và người dân phải qua suối bằng túi nilon

Được biết, nhà thầu thi công Dự án cầu treo Sam Lang là Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, cùng các nhà thầu phụ khác tập trung thi công, gồm công ty CPĐT và XD Thành Phát vận chuyển vật liệu từ Nà Hỳ vào công trình và thi công mố neo, móng trụ tháp. Công ty CPĐTXD và Quản lý đường bộ II thực hiện vận chuyển vật liệu từ mỏ vào Nà Hỳ và bố trí máy móc thực hiện và túc trực đảm bảo giao thông. Công ty CPĐTXD và Thương mại Huy Hoàng cung cấp đá xây dựng. Xí nghiệp cơ khí Quang Trung vận chuyển và lắp đặt kết cấu phần trên của cầu.

Tại lễ khánh thành cầu treo Sam Lang, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các đơn vị thực hiện dự án, giúp bà con dân tộc nơi đây có được cây cầu tốt, đảm bảo cho việc đi lại an toàn.

Thứ trưởng Thọ cho biết, công trình cầu treo dân sinh tại bản Sam Lang là công trình thuộc đề án được Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng sớm nhất giúp cho sự đi lại thuận lợi của hơn 100 hộ dân, đồng thời tạo sự phát triển kinh tế xã hội. Trong thời gian tới, một số công trình cầu dân sinh khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được Bộ GTVT tiếp tục triển khai xây dựng theo tiến độ thực hiện của đề án.

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và giao nhiệm vụ Bộ GTVT lập đề án xây dựng các cầu dân sinh, trong đó có các công trình cầu treo dân sinh, thực hiện ngay trong năm 2014 và hoàn thành trước năm 2020, với cơ chế nguồn vốn được huy động từ nhiều nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, vốn đóng góp của nhân dân…

Châu Như Quỳnh