1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa: Cách chức Phó GĐ rừng phòng hộ Khánh Sơn

(Dân trí) - Ông Huỳnh Long Vấn (SN 1963 trú tổ dân phố Hạp Phú, TT. Tô Hạp, Khánh Sơn) Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn bị cách chức sau khi bị TAND huyện kết tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ để mất rừng trên địa bàn huyện.

Chiều 21/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có quyết định thị hành kỷ luật đối với Huỳnh Long Vấn. Ông Vấn cũng bị TAND huyện Khánh Sơn phạt 1 năm cải tạo không giam giữ vì thiếu trách nhiệm, để mất rừng.

Được biết, tòa cũng tuyên phạt Hồ Ngọc Hà (SN 1975, trú thôn 1 xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện ở thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn) 7 năm tù về tội hủy hoại rừng, phạt Lương Văn Thảnh (SN 1969, trú TDP Hạp Phú, TT. Tô Hạp, Khánh Sơn, cán bộ BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn) 9 tháng tù treo, Nguyễn Thanh (SN 1958, trú TDP Hạp Phú, TT. Tô Hạp, Khánh Sơn, Trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Khánh Bình) 6 tháng tù treo cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện trường một vụ phá rừng ở Khánh Sơn.
Hiện trường một vụ phá rừng ở Khánh Sơn.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, Hà có thuê 3 người tại địa phương để phát rừng tại khu vực khoảnh 6, tiểu khu 270 với diện tích khoảng 1ha để làm rẫy. Sau đó, Hà trồng 3 vụ bắp (ngô), trên diện tích đã phát. Đến cuối năm 2009, Hà không làm rẫy nữa mà chuyển sang đi làm thuê cho người khác. Đến tháng 5/2011, Hà quay lại khu vực trồng bắp trước và tiếp tục thuê người địa phương chặt phá cây rừng để lấy đất làm rẫy. Những người này đã dùng rựa cá nhân và cưa máy do Hà cung cấp để làm lại diện tích đã phát vào năm 2008 và cưa hạ cây gỗ để mở rộng thêm khu vực liền kề, gây thiệt hại 2,12 ha rừng phòng hộ.

Tại khu vực rừng trong diện tích đất của BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn giao khoán cho các ông Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn Xê và Nguyễn Trọng Dũng cũng bị chặt phá 0,45 ha.

Theo kết luận giám định tổng diện tích bị chặt phá là 6,75 ha. Trong đó, diện tích ngoài khu vực giao khoán 3,63 ha. Cụ thể diện tích rừng phòng hộ là 2,12 ha, diện tích đất dự phòng phát triển sản xuất lâm nghiệp là 1,51 ha; diện tích trong khu vực giao khoán 3,12 ha. Cụ thể diện tích rừng phòng hộ 0,45 ha, diện tích đất dự phòng phát triển sản xuất lâm nghiệp 2,67 ha. Thiệt hại về số lượng gỗ và lâm sản trong diện tích bị chặt phá trong diện tích được quy hoạch là rừng phòng hộ có 35 khúc gỗ tròn, khối lượng 8,182m3 .

Tòa xác định, mặc dù, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng nhưng ông Vấn với tư cách là giám đốc không thông báo cho bên nhận khoán và chính quyền, nhân dân địa phương bết, không thường xuyên đôn đốc, kiểm tra cấp dưới về bảo vệ diện tích rừng thuộc trách nhiệm mình quản lý, làm không đúng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nguyễn Thanh và Văn Thanh không thường xuyên kiểm tra lâm phận do mình quản lý để Hà chặt phá 2,12 ha rừng phòng hộ và để các ông Trung, Dũng, Xê thuê người mở đường, chặt phá 0,45 ha rừng phòng hộ gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Theo Hội đồng định giá tài sản xác định tổng giá trị thiệt hại về rừng đối với 3,36 ha ngoài khu vực giao khoán là 154.460.594 đồng. Trong đó giá trị thiệt hại trong diện tích 2,12 ha rừng phòng hộ là 116.496.260 đồng; thiệt hại trong diện tích 1,51 ha đất dự phòng phát triển sản xuất lâm nghiệp là 37.964.334 đồng.

Hành vi của ông Trung, Xê và Dũng có thuê người chặt phá, mở đường ở diện tích giao khoán, trong đó có 0,45 ha quy hoạch là rừng phòng hộ do không được BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn thông báo cho biết quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng nên không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

                                                                  Trịnh Anh