DMagazine

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại

(Dân trí) - Năm 2022, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những hoạt động đối ngoại rất quan trọng, sôi nổi và hiệu quả; tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2022, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những hoạt động đối ngoại rất quan trọng, sôi nổi và hiệu quả; tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại - 1

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến ngày 1/11/2022.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; nhận Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Chính phủ Trung Quốc trao tặng; hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Lật Chiến Thư, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Uông Dương. 

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung và tình hình quốc tế, khu vực hiện nay.

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện. Đây là hoạt động đối ngoại chính thức trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát; là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước, nhất là sự trân trọng của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thông qua việc đón Tổng Bí thư Đảng ta với mức lễ tân cao nhất và có nhiều thu xếp đặc biệt.

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại - 3

Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới và 13 văn bản hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế chiếm phần lớn, đã được ký kết.

Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Hai Đảng và nhân dân hai nước rất vui mừng về những thành quả này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp trọng thị, thân tình và hữu nghị; trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm thăm lại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Các cơ quan truyền thông khu vực và quốc tế đã liên tục đưa tin và các bài viết đánh giá cao chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia; thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị APEC lần thứ 29.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ 24-26/2/2022.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng như của lãnh đạo cấp cao Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2022. Chủ tịch nước cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Singapore kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước đã hội kiến Tổng thống Singapore Halimah Yacob và cùng chủ trì cuộc hội đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. 

Singapore tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong ASEAN, đồng thời vừa trở thành nước đầu tư lớn thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Hợp tác về quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hai bên đã tích cực hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị, vật tư y tế trong ứng phó đại dịch…

Từ ngày 25-28/9/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước ta đã lên đường sang Nhật Bản dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Chủ tịch nước đã đặt hoa viếng, tưởng nhớ cố Thủ tướng Abe Shinzo - Người bạn thân thiết của Việt Nam; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà cố Thủ tướng Abe Shinzo đã dành cho đất nước và con người Việt Nam.

Từ ngày 16-19/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29. 

Đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đến Vương quốc Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Thái Lan sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyến thăm là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng hữu nghị chung dòng sông Mekong, cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã có cuộc hội kiến Nhà Vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Thái Lan; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai.

Trong khuôn khổ Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự Phiên họp hẹp 1; dự phiên Đối thoại không chính thức giữa Lãnh đạo các nền kinh tế  APEC và các Khách mời; dự cuộc ăn trưa làm việc giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các Khách mời.

Chủ tịch nước cũng đã dự Phiên toàn thể và Phiên thảo luận chuyên đề Đối thoại với các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); dự Phiên họp hẹp 2 và dự Gala dinner - chiêu đãi chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC do Thủ tướng Thái Lan và Phu nhân chủ trì.

Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Australia, Canada, Pháp, Chile, Peru. Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp gỡ Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia và Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Từ ngày 4 - 6/12/2022, nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk Yeol, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc. 

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại - 5

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã cùng nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, chính thức mở ra chương mới trong quan hệ Việt - Hàn với tương lai tương sáng của hai đất nước, hai dân tộc.

Từ 21 đến 23/12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm cấp Nhà nước tới Indonesia theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo.

Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong hợp tác Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo đã nhất trí sớm xây dựng Chương trình hành động giai đoạn 2024 - 2028; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt 15 tỷ USD trước năm 2028 và theo hướng cân bằng hơn. Cùng với đó là thúc đẩy đầu tư hai nước trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo; nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giáo dục-đào tạo, du lịch…

Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Vương quốc Campuchia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41, các Hội nghị cấp cao liên quan; tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc; dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ…

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13/5/2022 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại - 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 8-9/11/2022, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan từ ngày 10-13/11/2022.

Chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp; đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Chuyến thăm có ý nghĩa nhiều mặt, thể hiện sự coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết, sự tin cậy giữa hai nước trong "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022", đúng với tinh thần "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia. 

Với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan, nhìn tổng thể, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực được các nước ASEAN và các đối tác tôn trọng, đánh giá cao.

Từ ngày 9 -15/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU thăm chính thức 3 nước châu Âu: Luxembourg, Hà Lan và Bỉ. 

Chuyến thăm chính thức ba nước châu Âu nói trên của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước; gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh - phát triển của ta và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Với Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện.

Trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức 7 nước, gồm các nước láng giềng, các đối tác quan trọng ở trong khu vực và trên thế giới, tham dự Đại hội đồng AIPA43.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đã thăm chính thức nước CHDCND Lào từ ngày 15/5 đến ngày 17/5/2022; thăm chính thức Hungary vào cuối tháng 6/2022; thăm chính thức Vương quốc Anh và Bắc Ireland từ ngày 28 - 30/6/2022; thăm chính thức Campuchia, dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 từ ngày 19 - 22/11/2022.

Sau chuyến thăm Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Philippines từ ngày 23-25/11/2022.

Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Australia và New Zealand từ ngày 30/11 đến ngày 6/12/2022.

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại - 9

Sự kiện ngoại giao nghị viện tiêu biểu năm 2022 là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Lào ký Tuyên bố chung thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) và thông qua Quy trình thủ tục của Hội nghị, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phối hợp cùng nhau giám sát việc thực hiện các chương trình hợp tác của Chính phủ 3 nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực và bền vững. 

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại nghị viện sôi nổi giữa Việt Nam với CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia đã đóng góp vào thành công chung hoạt động đối ngoại Nhà nước nhân kỷ niệm 60 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam- Lào và 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.

Khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động đối ngoại - 11

Những kết quả trong hoạt động đối ngoại đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Theo Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 Abdulla Shahid, Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên hợp quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên hợp quốc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhìn nhận đối ngoại 2022 có một số điểm nhấn đáng chú ý. Trước hết là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại của ta với các nước, đi đôi với đa dạng hóa quan hệ và kết hợp đối ngoại song phương, đa phương.

Có thể thấy, đối ngoại năm nay đã thực sự chuyển từ thích ứng thời đại dịch, sang tiên phong và chủ động góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Bước vào năm 2023, bên cạnh thuận lợi, thì khó khăn, thách thức sẽ còn diễn biến phức tạp, bao gồm cả kinh tế và chính trị như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, hệ lụy của khủng hoảng Ukraine hay cạnh tranh nước lớn và sức ép chọn bên vẫn có xu hướng gia tăng.

Theo đó, để thực hiện nghị quyết của Đại hội XIII và triển khai đối ngoại năm tới cần phát huy thành tựu đã đạt, đồng thời, nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng cần tiếp tục tập trung vào một số ưu tiên sau.

Một là, làm sao tranh thủ nguồn lực và công nghệ phục vụ cho phát triển chất lượng cao và bền vững, trong đó có chuyển đổi số, xanh và sạch.

Hai là, đẩy mạnh tự chủ chiến lược, kết hợp hợp tác, hội nhập và đa dạng hóa, bao gồm cả về quan hệ chính trị và kinh tế, trong một thế giới gia tăng cạnh tranh, phân cực và sức ép chọn bên.

Ba là, nâng cao bản lĩnh và dự báo chiến lược, để chủ động tranh thủ cơ hội và quản trị tốt các rủi ro khi thách thức và cơ hội không còn phân tách rõ rệt, mà đan xen vô cùng phức tạp, không vì chần chừ mà để lỡ mất cơ hội.

Chúng ta có niềm tin chắc chắn rằng, với tinh thần chỉ đạo của Đại hội XIII và Hội nghị đối ngoại toàn quốc, đối ngoại Việt Nam thời gian tới sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng, bảo vệ và nâng cao vị thế của đất nước.

Nội dung: TTXVN - Thế Kha
Thiết kế: Tuấn Huy