1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Nam:

Khẩn cấp xây kè bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải

(Dân trí) - Tình trạng sạt lở ở khu vực bờ biển thuộc xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đang diễn ra rất nghiêm trọng. Để bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân trên đảo, đầu tháng 8 này, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chống sạt lở bờ biển này.

Xã đảo Tam Hải được bao bọc bởi 4 bề sông nước, cách trở khiến đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Mấy nay gần đây, tình trạng sóng biển đánh sạt lở, ăn sâu vào đảo khiến cuộc sống của người dân ở đây khó khăn hơn.

Sóng biển đánh sạt bờ kè, dừa trơ gốc
Sóng biển đánh sạt bờ kè, dừa trơ gốc

Mỗi năm bờ biển xã đảo Tam Hải bị sóng biển xâm thực sâu vào từ 5-10m, làm hư hỏng nhiều nhà cửa, đất đai của người dân, nhiều hộ dân phải bỏ lại nhà cửa để di dời đến nơi khác. Thôn Bình Trung, Tân Lập, Thuận An… là những thôn đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất.

Gia đình ông Võ Minh Công (71 tuổi) là một trong nhiều hộ dân của xóm 3, thôn Bình Trung, xã Tam Hải vẫn đang bám trụ lại, chưa biết sẽ di dời nhà đi đâu. Ông buồn rầu cho biết, xóm 3 nằm ở khu vực cửa sông Trường Giang đổ ra biển nên tình trạng sạt lở đã diễn ra từ lâu nhưng năm nay mặc dù không có gió bão lớn, khu vực này vẫn sạt lở rất nhanh làm người dân không kịp trở tay ứng phó. Biển hiện đã tiến sát vào tận vườn nhà của gia đình.

Tại nhiều vị trí, sóng biển đánh vỡ bờ kè, ăn sâu vào đảo
Tại nhiều vị trí, sóng biển đánh vỡ bờ kè, ăn sâu vào đảo

Để hạn chế tình trạng sạt lở, chính quyền và người dân xã Tam Hải đã trồng được 17ha rừng ngập mặn chống sạt lở bên cạnh 50ha rừng nguyên sinh ngập mặn xã này đang có. Đó là giải pháp về lâu dài, còn trước mắt người dân cần đầu tư xây dựng bờ kè.

Năm 2012, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai đã hỗ trợ địa phương xây dựng bờ kè biển dài 1,8 km với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng; tuy nhiên, hiện phần cuối của bờ kè này với chiều dài 200m nằm ở thôn Tân Lập đã bị sóng biển đánh sập, vệt rừng phòng hộ phía bên trong bờ kè đã bị sóng biển đánh trôi.

Đoạn kè bị hư hỏng, sạt lở khiến tình trạng xói mòn, xâm thực bờ biển sâu vào thôn Thuận An, chỗ điểm tiếp giáp của 2 thôn này. Một con lạch tự nhiên đã được mở ra, lấn sâu vào đất đảo, rộng gần 20m, dài gần 100m.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch xã Tam Hải - cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, biển đã xâm thực sâu vào đảo ở các thôn trên địa bàn xã Tam Hải hơn 50m. Mấy năm trước, làng Thuận An còn có những hàng dừa và phi lao dọc ven biển, nhưng giờ đã bị sóng biển đánh trơ gốc.

Nhiều nhà dân đã bị sóng biển đánh sập, phải di dời đi nơi khác
Nhiều nhà dân đã bị sóng biển đánh sập, phải di dời đi nơi khác

Trước nhu cầu bức thiết của địa phương, đầu tháng 8 này, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Sửa chữa khẩn cấp kè chống sạt lở bờ biển” tại thôn Tân Lập và thôn Thuận An (thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành) với tổng vốn gần 21,5 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách tỉnh chi. Thời gian đầu tư thực hiện dự án từ năm 2017-2018.

Công trình gồm các hạng mục xây dựng tuyến kè dài khoảng 340m (trong đó, đoạn sửa chữa dài 143,5m, đoạn làm mới dài 196,5m), xây dựng một cống tiêu nước, gia cố mái kè phía biển và một số hạng mục khác; công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu cho biết, mục tiêu đầu tư xây kè này nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của gần 200 hộ dân sinh sống tại xã Tam Hải; bảo vệ ổn định, bền vững lâu dài tuyến kè đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện ổn định đời sống dân cư và phát triển sản xuất của nhân dân trong khu vực; chống xâm thực bờ biển vùng cửa sông khu vực vịnh An Hòa; ngăn chặn sạt lở cho khoảng 5ha đất bờ biển mỗi năm, đồng thời kết nối giao thông kết hợp phục vụ bảo vệ an ninh quốc phòng vùng ven biển.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm