Khẩn cấp đối phó với bão số 11 sắp đổ bộ vào miền Trung
(Dân trí) - Dự báo khi vào đến Việt Nam, bão số 11 sẽ đổ bộ vào khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Cơ quan chức năng yêu cầu các địa phương khẩn trương đối phó với bão mạnh.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 1h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
Đến 1h ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
Tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ diễn ra tối 12/10, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo: bão số 11 đang di chuyển với tốc độ khá nhanh và ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong vòng 3 đến 4 ngày tới. Vùng nguy hiểm của bão số 11 được xác định từ Bắc vĩ tuyến 12 và Nam vĩ tuyến 20. Cùng đó, trên vịnh Bắc bộ từ đêm 14 sang ngày 15/10 sẽ có đợt gió mùa Đông bắc tràn về. như vậy cả Vịnh Bắc bộ có khả năng gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.
Theo nhận định của ông Tăng, sau khi tăng cấp, vượt biển, bão số 11 sẽ đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó nhiều khả năng là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Đồng thời, cảnh báo khả năng có mưa lớn tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị…
Tại cuộc họp khẩn tối 12/10, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu: các địa phương phối hợp lực lượng biên phòng tuyến biển khẩn trương thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, đặc biệt là các tàu, thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Chỉ đạo trong cuộc họp, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh: Việc quan trọng nhất hiện nay là các địa phương phối hợp lực lượng biên phòng tuyến biển khẩn trương thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão, đặc biệt là các tàu, thuyền đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trên đất liền, ông Phát yêu cầu các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Định khẩn trương rà soát các phương án đảm bảo an toàn hồ đập; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động khi có sự cố; vận hành và điều tiết các hồ chứa phù hợp để giảm lũ cho hạ du.
“Trong ngày 12, 13, 14 cần tập trung chỉ đạo hướng dẫn kêu gọi các tàu thuyền và ngư dân về nơi trú ẩn an toàn. Do bão số 10 vừa đi qua miền Trung nên phải rút kinh nghiệm chỉ đạo kiểm tra vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và những hệ thống cảnh báo nguy hiểm trong trường hợp phải xả lũ khẩn cấp; cảnh báo cho nhân dân khi xả lũ…” - ông Phát nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng nay 13/10, hàng loạt tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên bị nạn trên biển.
Theo thông tin, tàu cá QNg 94257 TS do ông Cao Mẫn (SN 1975) làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 lao động (đều ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), tàu bị hỏng máy không khắc phục được tại tọa độ 17 độ vĩ Bắc - 109,3 độ kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 100 hải lý về hướng Đông Bắc; tàu thả trôi với tốc độ 1,5 hải lý/giờ.
Đến 15 giờ ngày 12/10, Bộ chỉ huy Vùng 3 Hải quân đã điều tàu HQ 951 đang làm nhiệm vụ cách tàu bị nạn khoảng 35 hải lý đến ứng cứu.
Tàu cá QNg 92852 TS do ông Trần Văn Viết (trú xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi làm thuyền trưởng) trên tàu có 12 lao động. Lúc 15 giờ ngày 12/10, tàu bị sóng đánh chìm tại tọa độ 17,45 độ vĩ Bắc - 106,41 độ kinh Đông, cách Cửa Gianh, Quảng Bình khoảng 20 hải lý. Các thuyền viên được các phương tiện cùng quê và Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cứu đưa vào bờ an toàn.
Tại tỉnh Bình Định, tàu cá BĐ 96822 TS do ông Đặng Văn Học (trú thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn làm thuyền trưởng), bị hỏng máy thả trôi. Tàu bị nạn đã được tàu Trường Sa 16 của Hải quân vùng 4 ra lai dắt, dự kiến đêm nay (13/10) sẽ về đến đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên, tàu cá PY 92999 TS bị nạn ngày 8/10 đã được tàu PY 92088 TS và PY 92024 tiếp cận để chở người và tháo dỡ trang bị ngư lưới cụ, hiện đang trú tại đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa.
Còn tàu cá PY 91025 TS của ông Lê Thanh Khang, trên tàu có 10 lao động, khi hoạt động đánh bắt tại vị trí 10,5 độ vĩ Bắc - 114,3 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 50 hải lý thì bị hỏng máy lúc 8 giờ ngày 11/10 không khắc phục được.
Tàu bị nạn đã được tàu PY 95183 TS do ông Lê Văn Lĩnh, trú thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên làm thuyền trưởng lai dắt vào đảo Song Tử Tây để khắc phục, sửa chữa.
Theo Báo cáo của văn phòng Ban chỉ huy PCLB&TKCN, Bộ chỉ huy BĐPB các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, tính đến 6 giờ ngày 13/10, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 44.343 tàu/180.734 ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động trú tránh.
Trong đó, khu vực Bắc vĩ tuyến 120, Nam vĩ tuyến 200 có 64 tàu/693 ngư dân, gồm Quảng Nam: 24 tàu/379 ngư dân; Quảng Ngãi: 20 tàu/164 ngư dân; Bình Định: 20 tàu/150 ngư dân. Hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa: 1.101 tàu/12.948 ngư dân. Hoạt động khu vực khác: 4.497 tàu/31.851 ngư dân. Neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày: 38.627 tàu/134.651 ngư dân.
Phạm Thanh - Công Bính