1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khám bệnh kiểu “thày bói xem voi”

Chị Hoàng Kim Ngân đến Bệnh viện Sài Gòn TPHCM khám. Vừa nghe nói cổ chị bị đau, nhân viên nhận bệnh bèn hướng dẫn chị sang khoa tai mũi họng. Đến khi chị nói mình muốn kiểm tra xem có bị cảm cúm không, nhân viên lại chuyển chị qua phòng nội khoa.

Từ trước đến nay, các bệnh viện đều có bàn nhân viên nhận bệnh để hướng dẫn người bệnh đến các phòng khoa cần khám. Những nhân viên này có câu hỏi giống nhau là: “Muốn khám gì?”, rồi tùy theo lời khai ban đầu của bệnh nhân mà hướng dẫn đến phòng khám. Đau họng chuyển đến tai mũi họng, đau nhức khớp chuyển qua cơ xương khớp... Vì chỉ căn cứ vào lời khai ban đầu rất ngắn gọn của người bệnh nên không ít trường hợp nhân viên hướng dẫn bệnh nhân đi lộn chỗ. Kết quả là “bệnh đi đường bệnh còn người đi đường người”.

 

Anh Hậu, 34 tuổi (ngụ Hóc Môn TPHCM), bị một bướu nhỏ trước trán, đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám, bác sĩ khoa ngoại thần kinh nói chỉ là bướu bã đậu lành tính khuyên anh nên về trung tâm y tế làm tiểu phẫu cho đỡ tốn kém. Vì cẩn thận, anh Hùng mang kết quả chẩn đoán đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được phẫu thuật ngoài giờ.

 

Cũng với chẩn đoán bướu bã đậu lành tính, bác sĩ làm tiểu phẫu cho anh Hậu. Thế nhưng sau khi thực hiện tiểu phẫu xong, bác sĩ cho biết anh bị bướu máu chứ không phải bướu bã đậu. Và việc tiểu phẫu không giúp được gì vì chỉ một thời gian ngắn sau cái bướu sẽ trở lại y như lúc ban đầu.

 

Hay chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh (Hóc Môn TPHCM) bị ho nhiều nên đau cổ họng. Đến khám tại Bệnh viện 175 chị khai đau họng nên được chuyển qua khoa tai mũi họng để khám. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm họng do dị ứng thời tiết và cho toa mua thuốc uống một tuần. Hết thuốc chị vẫn không giảm ho. Sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chị bị bác sĩ rầy rà vì bị viêm phổi lâu mà không chịu đi khám sớm lại uống thuốc linh tinh...

 

Hầu hết nhân viên nhận bệnh đều khẳng định mình nhận và hướng dẫn bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Họ cho biết, chỉ cần hỏi người ta muốn khám gì rồi căn cứ vào lời khai bệnh mới đưa qua khoa có chức năng liên quan để khám. Ví dụ như đau nhức đầu nhất định liên quan đến nội khoa; đau nhức tai mũi họng rõ ràng do tai mũi họng có vấn đề... Đó chỉ là hướng dẫn ban đầu, bác sĩ phòng khám sẽ quyết định giữ lại khám hay có thêm những chỉ định khác nữa... “Như vậy làm sao sai sót được”, một nhân viên nhận bệnh quả quyết.

 

Thế nhưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Tri Phương TPHCM Phan Quý Nam thừa nhận, đúng ra, việc nhận bệnh và hướng dẫn bệnh nhân đến phòng khám nào tại cơ sở y tế phải do một bác sĩ có kinh nghiệm phụ trách mới chính xác. Còn như hiện nay, để một y tá dù đã công tác lâu năm làm nhiệm vụ nhận bệnh cũng là một thiếu sót vì họ không đủ trình độ để phân loại bệnh.

 

“Tuy nhiên, trong tình trạng các bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân, nếu bố trí bác sĩ làm công tác này càng làm cho công tác khám chữa bệnh gặp khó khăn vì thiếu nhân lực”, ông Nam nói. Và hậu quả là rất nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh chưa đúng, dẫn đến điều trị không hiệu quả, khiến bệnh nhân phải vất vả tốn kém đi lại thăm khám nhiều lần, nhiều nơi.

 

“Nguyên nhân một phần còn do bác sĩ ở ta được học chuyên khoa quá sớm khi chưa tiếp xúc, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán bệnh dựa vào dấu hiệu, triệu chứng”, bác sĩ Quý Nam nhìn nhận.

 

Cũng có nhiều người vì ngại cảnh đến bệnh viện mà khám không ra bệnh nên không muốn đi khám bệnh. Vì họ biết như vậy sẽ không giúp ích gì cho bệnh của mình. Như chị Hoàng Khuyên, nhân viên một công ty tin học tại TPHCM, thi thoảng lại bị ngất trong khi tình trạng huyết áp tim mạch, thần kinh bình thường. Nhưng đến cơ sở y tế nào chị cũng được hướng dẫn đo tim mạch huyết áp, điện tâm đồ mặc dù trước đó chị đã khám và biết tất cả bình thường.

 

Còn tại phòng khám, vì không có thời gian nên bác sĩ chỉ khám bệnh theo kiểu “hỏi đáp nhanh” rồi chỉ định kê toa. “Mình có muốn kể lể, tranh thủ khai thêm chi tiết để được chẩn đoán bệnh đúng hơn nhưng bác sĩ cũng chỉ ừ, à chứ không quan tâm”, chị Khuyên ấm ức.

 

Theo bác sĩ Quý Nam, có nhiều căn bệnh nếu không tìm hiểu tỉ mỉ sẽ không thể tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ cần có thời gian nghe còn bệnh nhân cần thời gian trình bày bệnh sử hay những thay đổi bất thường của cơ thể... Từ đó, bác sĩ mới đủ thông tin để khuyên người bệnh nên khám gì và ở đâu. Đây cũng là mong muốn của rất nhiều người hiện nay nhưng các bệnh viện hiện chưa đáp ứng được.

 

Do đó, việc thành lập phòng tư vấn cho bệnh nhân trước khi khám bệnh là vô cùng cần thiết. Bác sĩ tư vấn sẽ ghi lại những dấu hiệu cần lưu ý chuyển sang cho bác sĩ chuyên khoa mà bệnh nhân sẽ đến khám. Như vậy việc chẩn đoán sẽ chính xác hơn còn điều trị sẽ đạt hiệu quả hơn. Điều này không chỉ giúp cho bệnh nhân đỡ tốn kém khi phải đi nhiều nơi, khám nhiều lần chỉ vì một căn bệnh mà còn tạo được tâm lý tin thưởng và thoải mái cho họ khi được thày thuốc lắng nghe.

 

“Vì cần thiết phải có nên sắp tới một số bệnh viện đa khoa tại TPHCM sẽ thành lập phòng tư vấn trước khi khám bệnh. Phụ trách các phòng tư vấn sẽ do các bác sĩ giỏi, nhiều năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán điều trị bệnh. Bước đầu do nhân sự còn hạn chế nên sẽ hoạt động theo kiểu dịch vụ, phục vụ cho những ai có nhu cầu”, ông Quý Nam cho biết thêm.

 

Theo Võ An

Vnexpress