1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dự án xây dựng cáp treo khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình):

Khai thác tiềm năng du lịch đi đôi với bảo vệ rừng di sản

(Dân trí) - Chiều 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin liên quan đến Dự án xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo đó, hưởng ứng lời kêu gọi xúc tiến đầu tư của tỉnh Quảng Bình, tháng 2/2014, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đã tham gia khảo sát cùng nhiều đoàn chuyên gia Đức, Áo, Thụy Sĩ của các Tập đoàn Cáp treo lừng danh thế giới như: Dopellmayr, Garaventa. 
 
Tính từ tháng 3/2014 đến nay, công ty đã tiến hành trên 10 đợt khảo sát quy mô bao gồm các kỹ sư Việt Nam cùng các giám đốc kỹ thuật cáp treo, các chuyên gia trắc đặc, chuyên gia địa hình địa chất… là người nước ngoài.

Hình ảnh trong lòng hang động Sơn Đoòng (Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh).
Hình ảnh trong lòng hang động Sơn Đoòng (Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh).
 
Việc khảo sát tại Phong Nha - Kẻ Bàng là vô cùng khó khăn, phải xuyên rừng nhiều ngày rất vất vả, để có được những hướng tuyến cụ thể, cân nhắc lựa chọn các vị trí đặt cột cáp sao cho tuyến cáp không ảnh hưởng đến rừng nguyên sinh.
 
Và sau nhiều cuộc khảo sát kỹ lưỡng, cho đến nay Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đã xác định được hai hướng tuyến cáp treo như sau: Tuyến cáp treo số 01 từ cửa động Phong Nha đến cầu Trạ Ang với chiều dài tuyến là 6.788m. Tuyến cáp treo số 02 từ cầu Trạ Ang đến cửa sau động Sơn Đoòng với chiều dài 3.872m.
 
Dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng dự kiến có 30 trụ, mỗi trụ chiếm khoảng 10 m2 đất, trên mỗi trụ có gắn 01 camera 360 độ để theo dõi cháy rừng và công tác bảo vệ rừng. 

Hình ảnh trong lòng hang động Sơn Đoòng (Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh).
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chủ trì cuộc họp báo dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tại cuộc họp báo chiều nay, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, Quảng Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội, đó là một hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, hệ thống đường bộ thuận lợi. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, Quảng Bình có nhiều danh thắng với 116km bờ biển, hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, suối nước khoáng Bang, đền Công chúa Liễu Hạnh, di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhưng hiện nay, Quảng Bình vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân toàn quốc. Việc phát triển du lịch là một hướng đi đúng để góp phần đưa Quảng Bình thoát nghèo và vươn lên trở thành một tỉnh giàu.  
 
Trước nhiều luồng dư luận trái chiều về dự án này, nhiều phóng viên các báo trung ương đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bằng liệu có ảnh hưởng đến giá trị rừng di sản. Các câu hỏi trên đã được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đã trả lời rất thẳng thắn và cùng chung quan điểm là muốn khai thác thế mạnh về du lịch tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng để đưa tỉnh Quảng Bình sớm thoát nghèo, cuộc sống người dân ngày càng giàu mạnh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, đơn vị chủ đầu tư sẽ đặt việc bảo vệ giá trị rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lên hàng đầu.  

“Hoàn toàn nằm ngoài hang động”
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc triển khai xây dựng dự án tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời khẳng định, việc xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng nằm hoàn toàn bên ngoài động, không phải nằm trong lòng động như nhiều người lầm tưởng, bởi ga đến cuối cùng của tuyến cáp treo nằm cách cửa hang khoảng 300 mét.

Hình ảnh trong lòng hang động Sơn Đoòng (Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh).
Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời trả lời các câu hỏi của phóng viên.
 
“Chúng tôi sẽ báo cáo lại với UBND tỉnh Quảng Bình tất cả những kết quả khảo sát, cùng xem xét tính khả quan của các tuyến cáp treo mà vẫn giữ được nguyên trạng rừng di sản… Tất cả những thiết kế triển khai sẽ đều có báo cáo, xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đảm bảo tránh việc vi phạm những quy định của UNESCO về bảo tồn văn hóa và du lịch thiên nhiên. Nhà đầu tư cùng các nhà tư vấn nước ngoài sẽ phải cam kết các biện pháp tiếp cận không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và phải đảm bảo các tiêu chí về phát triển bền vững mà UNESCO công nhận”, ông Trường cho hay.

Hình ảnh trong lòng hang động Sơn Đoòng (Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh).
Việc xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng nằm hoàn toàn bên ngoài động (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, dự án xây dựng tuyến cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ không hề ảnh hưởng đến các tour du lịch mạo hiểm dành cho các du khách nước ngoài có sức khoẻ, có điều kiện như hiện nay. Dự án đầu tư xây dựng: “Tuyến cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc Quần thể Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng” nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của mọi công dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế muốn thám hiểm và chinh phục vẻ đẹp hùng vĩ các hang động, chinh phục báu vật của Tổ quốc Việt Nam, đưa Quảng Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Một thực tế cũng khẳng định rằng, trên thế giới hình thức vận chuyển khách đi bằng cáp treo đến các địa điểm di sản (đã được UNESCO công nhận) là rất phổ biến với hơn 80 điểm khác nhau
 
Cụ thể, tuyến cáp treo trên núi Hoa Sơn (Trung Quốc) là một ví dụ. Hoa Sơn thuộc tỉnh Thiểm Tây, là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc. Năm 1990, Hoa Sơn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đây là một trong những ngọn núi thiêng và đẹp nhất Trung Quốc. Núi Hoa Sơn còn là điểm đến của những du khách ưa mạo hiểm vì con đường trên núi chỉ là những tấm gỗ mỏng manh cùng những sợi dây xích chắp vá vào nhau. Nhiều biện pháp an toàn đã được thực hiện, nhưng hàng năm số người tử vong ở đây vẫn không hề giảm và ngọn núi này còn có tên gọi “Ngọn núi chết”. 

Tuyến cáp treo trên núi Hoa Sơn.
Tuyến cáp treo trên núi Hoa Sơn.

Để phục vụ mong muốn được chiêm ngưỡng di sản thế giới độc đáo Hoa Sơn của đông đảo du khách trong và ngoài nước, một tuyến cáp treo đã được xây dựng tại đây.
Cáp treo trên núi Hoa Sơn có chiều cao khoảng 2.000 mét và dài khoảng 4.2km. Kể từ khi có tuyến cáp treo này, hàng triệu du khách được thoả mãn ước ao của mình, những tai nạn thảm khốc do sự mạo hiểm của “Ngọn núi chết” gây ra hầu như không còn nữa. Phương án xây dựng cáp treo phục vụ du khách đến với hang động lớn nhất thế giới – hang Sơn Đoòng thuộc rừng di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 phương án tối ưu, bởi theo kinh nghiệm trên thế giới, thì cáp treo chính là loại hình vận chuyển duy nhất đảm bảo cho việc bảo tồn thiên nhiên nguyên vẹn như vốn có.

Cam kết cùng tỉnh chung sức bảo vệ rừng di sản
Dự án xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Kẻ Bàng đưa du khách tham quan hang động đẹp nhất thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh Quảng Bình. Với những dự án tầm cỡ như thế này, Quảng Bình sẽ khai thác được thế mạnh về du lịch đang có, lượng khách du lịch đến Quảng Bình chắc chắn sẽ tăng mạnh, kéo theo sự phát triển của hệ thống giao thông và các loại hình dịch vụ khác như lưu trú, ẩm thực, hang lưu niệm… Dự án sẽ mở ra cơ hội việc làm ổn định cho hàng chục ngàn người lao động.
Và điều quan trọng hơn cả là khi có tuyến cáp treo thuận lợi, việc đi lại dễ dàng hơn, công tác kiểm tra, ngăn chặn nạn phá rừng sẽ được thực hiện triệt để, những sự cố cháy rừng sẽ được kịp thời phát hiện, ứng cứu, việc xâm hại di sản (đục thạch nhũ…) trong các hang động cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng.
Trong Quyết định số 24/2012/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng có nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước”.

Tuyến cáp treo trên núi Hoa Sơn.
Để được triển khai dự án này, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Mặt Trời cũng cam kết cùng tỉnh chung sức bảo vệ rừng di sản quý giá Phong Nha – Kẻ Bàng (Ảnh: Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh).

Đây là một chính sách mang tính nhân văn cao, phù hợp với hướng phát triển du lịch bền vững của các địa phương vươn lên từ nội lực của chính mình, như tỉnh Quảng Bình. Với nguồn kinh phí được trích từ dịch vụ thuê môi trường rừng để khai thác du lịch sinh thái, chắc chắn, công tác bảo vệ, tôn tạo rừng, bảo tồn di sản tại Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.

Để sớm được triển khai dự án này, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Mặt Trời sẽ cam kết cùng tỉnh chung sức bảo vệ rừng di sản quý giá Phong Nha - Kẻ Bàng, xem đó như vấn đề sống còn của việc kinh doanh du lịch sinh thái bền vững, và cũng là lợi ích của chủ đầu tư, bởi cốt lõi của sự thu hút khách du lịch nằm ở cảnh quan tuyệt đẹp của hang động và rừng nguyên sinh.

Có tuyến cáp treo vào Phong Nha - Kẻ Bàng, mọi công dân Việt Nam đều có thể thoả mãn giấc mơ chạm tay vào báu vật thiêng liêng của Tổ quốc, tận mắt ngắm nhìn quần thể hang động hùng vĩ nhất thế giới mà “mẹ” thiên nhiên đã ưu ái cho đất nước. Những kiến thức về di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, về tình yêu đất nước cho các thế hệ tương lai sẽ không còn là những bài học khô cứng trên sách vở, thay vào đó, sẽ là những hình ảnh sinh động mắt thấy, tai nghe. Hy vọng rằng, Quảng Bình sẽ đọng lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách với hình ảnh của một miền đất đẹp, phát triển, thu hút du khách tìm đến và trở lại. 

Đặng Tài - Phúc Lịnh