1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Khai quang Đại phật tượng trên núi Phật Tích mừng Đại lễ

(Dân trí) - Cùng với lễ khai quang Đại phật tượng trên núi Phật Tích, vào ngày 25 - 26/9 tới, Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan ban ngành sẽ tổ chức lễ gắn biển công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đối với công trình chùa Phật Tích.

Đại đức Thích Đức Thiện - Thành viên Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Phật Tích cho biết: “Nhân dịp đón mừng Đại lễ, 2 công trình lớn là Lễ khai quang đại Phật tượng và công trình chùa Phật Tích gắn biển chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các hạng mục và sẵn sàng cho sự kiện gắn biển, khai quang vào 2 ngày 25 và 26/9 tới”.

Khai quang Đại phật tượng trên núi Phật Tích mừng Đại lễ - 1
Đại Phật tượng tọa lạc trên núi Phật Tích, dưới chân núi là Chùa Phật Tích. (Ảnh: Q.Đ)

Chùa Phật Tích ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là di tích lịch sử văn hóa quốc gia tiêu biểu chứa đựng các giá trị văn hóa, mỹ thuật điêu khắc thời Lý. Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều những hiện vật có giá trị mang tính đặc trưng phong cách của nền mỹ thuật tiêu biểu như tượng A Di Đà bằng đá có niên đại thế kỷ X-XI là bảo vật quốc gia.

Chùa tháp Phật Tích trong lịch sử là một ngôi quốc tự (chùa quốc gia) quan trọng, nơi mà các vua Lý thường về lễ Phật và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Thời nhà Trần, Phật Tích không những là trung tâm văn hóa Phật giáo mà còn là nơi đào tạo các nhân tài cho đất nước, Vua mở khoa thi tiến sĩ tại Phật Tích. Thời Hậu Lê, Phật Tích là trung tâm Phật giáo quan trọng của đàng ngoài. Ngày nay, Phật Tích vẫn xứng là ngôi chùa của quốc gia nơi gìn giữ bảo vật của đất nước. 

Khai quang Đại phật tượng trên núi Phật Tích mừng Đại lễ - 2

Đại Phật tượng được dựng mô phỏng nguyên mẫu tượng thời nhà Lý. (Ảnh: Q.Đ)

Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa chùa Phật Tích là một dự án của tỉnh Bắc Ninh chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được chọn làm công trình trọng điểm mừng Đại lễ.

Công trình được nhà nước đầu tư 75 tỷ đồng, cùng với sự tham gia công đức của Quỹ Thiện Tâm thuộc công ty Vincom và Tập đoàn An Viên (AGV) cùng với nhiều cá nhân, phật tử hảo tâm trong cả nước.

Công trình Đại Phật tượng trên núi Phật Tích cao 27m, nặng hơn 3000 tấn được xem là một kỳ quan mới trên quê hương của các vua Lý. Đây là một trong những pho tượng bằng đá “khổng lồ” lần đầu tiên tại Việt Nam. Bức Đại tượng phật này được dựng dựa trên nguyên mẫu là pho tượng A di đà, có từ thời nhà Lý.

Núi Phật Tích, nơi tọa lạc bức Đại Phật tượng được khởi dựng với tâm nguyện là công trình đánh dấu nơi đầu tiên phát tích Đạo phật ở Việt Nam.

Quốc Đô