Khai mạc Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần thứ 2
(Dân trí) - Sáng nay (17/5), Hội nghị Quan chức cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 2 khai mạc tại Hà Nội. Tham dự có lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 (SOM 2) sẽ diễn ra trong 2 ngày 17 - 18/5. SOM 2 đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến, cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên lãnh đạo các nền kinh tế, các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự SOM 2, trong đó có các Bộ trưởng phụ trách về vấn đề thương mại và phát triển nguồn nhân lực của các thành viên APEC, các quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên, cùng đại diện Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chuyên gia hàng đầu của các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tập đoàn và các viện nghiên cứu lớn của khu vực…
Các quan chức cấp cao APEC chụp ảnh trong phiên khai mạc SOM 2
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, đại biểu các nền kinh tế sẽ thảo luận nội dung các văn kiện quan trọng của APEC trong năm 2017, triển khai các ưu tiên từ kết quả Hội nghị SOM 1, đề xuất định hướng tiếp theo của Hội nghị SOM 3, kết quả Đối thoại cấp cao về Phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề khác của APEC.
Cũng trong sáng 17/5, Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC đã đưa ra những báo cáo và dự báo về triển vọng của APEC trong ngắn và trung hạn. Cơ quan này cho biết, năm 2016, tăng trưởng của APEC đạt 3,5%, giảm nhẹ so với GDP của năm trước là 3,6%. Tiêu dùng của Chính phủ và tư nhân tại các nền kinh tế APEC tiếp tục giữ đà là động lực chính cho tăng trưởng của APEC.
Tốc độ tăng trưởng thương mại tăng từ giữa năm 2016 nhờ cầu thế giới và giá các hàng hoá cơ bản tăng, các nhân tố mang tính đặc thù của từng nền kinh tế thành viên trong qúa trình đa dạng hoá thị trường, sản phẩm và các đối tác thương mại.
Theo Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC, 5 trong số top 10 các nền kinh tế hàng đầu thế giới về tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 là các nên kinh tế thành viên APEC. Các biện pháp cải tạo thuận lợi cho đầu tư đã thúc đẩy các nguồn vốn FDI đổ vào khu vực APEC.
Dự báo, GDP của khu vực APEC trong giai đoạn 2017 - 2018 sẽ đạt mức 3,8%, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu và năm 2019 đạt 3,7% - bằng mức tăng trưởng toàn cầu.
Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC đánh giá, tốc độ tăng trưởng của thế giới và APEC có xu hướng tăng trong ngắn hạn nhờ kỳ vọng các hoạt động thương mại và đầu tư sẽ sôi động hơn, việc áp dụng các biện pháp tài chính nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Về trung hạn, quản lý kinh tế vĩ mô cần được hỗ trợ bởi tái cấu trúc hướng thúc đẩy sáng tạo, hình thành những thị trường cạnh tranh hơn, tạo thuận lợi cho mọi thành phần xã hội tham gia và tăng cường tính tự cường về kinh tế, qua đó đóng góp vào mục tiêu của APEC về tăng trưởng bền vững, công bằng và bao trùm.
Châu Như Quỳnh