Chủ tịch nước: “Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược”

(Dân trí) - “Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu định hướng Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu định hướng Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc phiên Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, trong khuôn khổ Hội nghị Quan chức Cao cấp Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 2 (SOM 2), diễn ra tại Hà Nội sáng nay (16/5).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, xây dựng tầm nhìn APEC đòi hỏi tập trung trí tuệ, sự hợp tác sâu rộng và khát vọng của tất cả chúng ta. Sự tham dự đông đảo của đại diện các bên liên quan, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, các học giả, phụ nữ, thanh niên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiến tạo tương lai APEC.

APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Thế giới đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì và khai mạc Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, sáng 16/5
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì và khai mạc Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, sáng 16/5

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hướng tới năm 2020, việc đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu Bô-go càng trở nên quan trọng trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hoá và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.

“Toàn cầu hoá là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn.

Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi. Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển” - Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Đại biểu các nước thành viên APEC tham dự Đối thoại
Đại biểu các nước thành viên APEC tham dự Đối thoại

Chủ tịch nước cho hay, tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội.

APEC cần hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực, chủ động nhằm bảo đảm mọi thành phần xã hội và lao động có thể tham gia tích cực và thụ hưởng thành quả từ cách mạng công nghệ trong kỷ nguyên số. Những thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam hơn 30 năm qua cũng như định hướng chiến lược phát triển của chúng tôi trong thời gian tới cũng không nằm ngoài định hướng đó.

Tiếp nối các năm APEC trước, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của APEC 2017, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đang đi đúng hướng với việc thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển con người và nâng cao năng lực.

Trong 2 - 3 thập niên tới, APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động, khả năng chống chịu và tính trách nhiệm. APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực, đặc biệt là các vấn đề về biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch….

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm cùng quan chức cấp cao các nước thành viên APEC tham dự Đối thoại
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm cùng quan chức cấp cao các nước thành viên APEC tham dự Đối thoại

Để làm được điều đó, APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là diễn đàn hợp tác tự nguyện, linh hoạt để thực sự là nơi khởi xướng ý tưởng, đổi mới sáng tạo và là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. APEC phải là nơi gắn kết các cơ chế hợp tác khác nhau trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu ngày càng gắn kết hiệu quả. Với 50 năm thành công trong hội nhập khu vực, ASEAN có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với APEC trong nỗ lực xây dựng một cộng đồng ngày càng gắn kết về kinh tế - xã hội.

Tại Đối thoại quan trọng ngày hôm nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại biểu thảo luận để làm rõ thêm 3 vấn đề: Xác định những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bô-go đúng thời hạn vào năm 2020. Xác định mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC. Xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, cách đây 11 năm, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện lộ trình Busan hướng tới các Mục tiêu Bô-go với các biện pháp và lộ trình cụ thể. Từ đó đến nay, APEC đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện các Mục tiêu Bô-go. "Chúng ta hãy làm hết sức mình để tương lai của thế kỷ 21 được khởi nguồn từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương - một cộng đồng năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và thực sự vì người dân và doanh nghiệp", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh

Dòng sự kiện: APEC 2017