1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khách bị cấm bay vẫn đi Nga: Bộ phận làm thủ tục không biết?

(Dân trí) - Đại diện đơn vị dịch vụ mặt đất sân bay tại Nội Bài (Viags Nội Bài) cho biết, trong quá trình làm thủ tục cho chuyến bay SU291 đi Nga ngày 3/1 không hề nhận được thông báo của hãng Aeroflot về hành khách bị cấm bay Phạm T.T. Sau đó, khách này vẫn được xuất cảnh rời Việt Nam.

Bà Phạm T.T vẫn được cho xuất cảnh dù đã có quyết định cấm bay
Bà Phạm T.T vẫn được cho xuất cảnh dù đã có quyết định cấm bay

Theo đại diện Viags Nội Bài, quá trình làm thủ tục cho hành khách đi chuyến bay SU291 không ghi nhận bất thường.

“Trên hệ thống làm thủ tục hành khách của Hãng hàng không Aeroflot có tên hành khách Phạm T.T. nhưng không có thông tin hành khách Phạm T.T. bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không (cấm bay). Đầu chuyến bay, đại diện của Aeroflot không triển khai thông tin về danh sách hành khách bị cấm vận chuyển” - đại diện Viags Nội Bài cho hay.

Đại diện Viags Nội Bài cũng thông tin, đơn vị này chỉ nhận được công văn triển khai cấm bay và kiểm tra trực quan bắt buộc từ Vietnam Airlines và công văn này chỉ áp dụng cho các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Đại diện Viags Nội Bài kiến nghị các hãng cần triển khai đầy đủ các quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không đến Viags để tránh trường hợp “lọt” đối tượng trong diện bị cấm bay.

Sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa hãng hàng không với đơn vị làm thủ tục, đơn vị kiểm tra an ninh hàng không là rõ ràng, nhưng việc cơ quan xuất nhập cảnh “đóng dấu” cho phép xuất cảnh đối với đối tượng bị cấm bay là vấn đề sai sót chính.

Căn cứ Nghị định 147 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt 2 nhân viên an ninh hàng không thuộc Trung tâm An ninh hàng không - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và 1 nhân viên của hãng hàng không Aeroflot mức phạt 4 triệu đồng/người vì đã có hành vi thực hiện không đúng quy trình.

Sau vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Aeroflot phải tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm về vụ việc. Đồng thời có biện pháp thích hợp, hiệu quả để cảnh báo, phát hiện ngay đối tượng bị cấm vận chuyển khi đặt chỗ, làm thủ tục đi máy bay để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Như Dân trí đã đưa tin, bà Phạm T.T. bị Cục Hàng không Việt Nam cấm bay từ ngày 16/9/2017 đến 15/3/2018 và bị kiểm tra trực quan bắt buộc trong thời hạn 6 tháng tiếp theo. Bà T. bị cấm bay do đã cãi nhau với một nữ hành khách khác gây mất trật tự, kỷ luật trên máy bay của hãng hàng không Aeroflot từ Nga về Hà Nội hồi tháng 8/2017.

Quyết định cấm bay đã được Cục Hàng không Việt Nam gửi đến các hãng hàng không trong và ngoài nước có đường bay đến/đi từ Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không, các cảng vụ hàng không, các cảng hàng không, công an cửa khẩu, chi cục hải quan sân bay… Tuy nhiên, các đơn vị liên quan như an ninh hàng không, công an cửa khẩu đều không phát hiện bất thường và bà T. vẫn được lên chuyến bay SU291 của Aeroflot từ Hà Nội đi Moscow (Nga) ngày 3/1/2018.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm