Thường trực Ban Bí thư Lương Cường:
Khắc phục tình trạng "làm đúng quy trình nhưng chọn người không đúng"
(Dân trí) - Trong công tác chuẩn bị nhân sự, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường quán triệt phải làm chặt chẽ, đúng quy trình, nhưng đặc biệt phải chọn đúng người trên cơ sở đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.
Nội dung này được Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh khi phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, sáng 9/7.
Không để cán bộ không đủ tiêu chuẩn giữ cương vị chủ chốt
Liên quan đến Chỉ thị số 35, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy nắm chắc 7 yêu cầu và 6 nội dung.
Trong đó, đối với công tác nhân sự và bầu cấp ủy, ông Lương Cường lưu ý công tác nhân sự cần đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng; đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định.
"Quá trình thực hiện cần làm đúng nguyên tắc, quy trình, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong công tác lựa chọn, giới thiệu và bầu cử cấp ủy các cấp", ông Cường nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư quán triệt công tác chuẩn bị nhân sự phải chú ý cả tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, số lượng. Trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu hạ thấp tiêu chuẩn, theo ông Cường.
Cho biết tới đây sẽ có hướng dẫn đầy đủ về lựa chọn nhân sự, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu cao nhất là làm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, nhưng phải lựa chọn đúng người trên cơ sở đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
"Cái này rất quan trọng, khắc phục những cái sai, cái yếu vừa qua khi tất cả đều đúng quy trình, đúng nguyên tắc nhưng chọn người không đúng", ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông, những người được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Những người này cũng phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ đảng viên và nhân dân tín nhiệm.
"Không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy, đặc biệt là không được để lọt vào giữ các cương vị chủ chốt ở các cấp", Thường trực Ban Bí thư quán triệt.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần chú ý tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở mỗi cấp theo quy định và định hướng ở Trung ương.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ cần chú ý kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức chính sách trong công tác nhân sự, nhất là việc bố trí công tác và thực hiện chính sách với cán bộ không đủ tuổi tái cử, đảm bảo thống nhất, đoàn kết cao trong nội bộ.
"Cái này cũng là một bài học rất quan trọng. Chúng ta làm công tác tư tưởng, chính sách cho các đồng chí nghỉ chính là làm cho chúng ta và nhiệm kỳ sau nên cần tận tình, chu đáo, làm hết điều kiện chúng ta có thể, cho phép", ông Cường nói.
Ngoài ra, theo Thường trực Ban Bí thư, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kết luật, giải quyết những tồn đọng, bức xúc trong dư luận cán bộ, đảng viên theo thẩm quyền. Đặc biệt, liên quan nhân sự trước đại hội, ông Cường cho rằng phải xem xét, kết luận giải quyết sớm, cơ bản năm nay giải quyết xong vấn đề này.
Đi kèm với đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thực hiện nghiêm bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật của Đảng; đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phòng chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch…
Cán bộ phải luôn đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ
Liên quan việc ban hành Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đây là bước cụ thể hóa Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Trong đó, ông nhấn mạnh nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Quy định 144, theo Thường trực Ban Bí thư, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, với việc cụ thể hóa thành 5 điều, 19 nội dung để Đảng thực sự đạo đức, văn minh.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng việc ban hành Quy định số 144 mới là thành công bước đầu, điều cốt lõi nhất là mọi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, thực sự thấm nhuần sâu sắc quy định và tự giác thực hành các chuẩn mực đạo đức.
Ông nhấn mạnh phải làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật của người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén giúp cán bộ, đảng viên vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Quy định 11, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu từng chi bộ, chi ủy, nhất là người đứng đầu cần đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương trong thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng...
Với mỗi cán bộ, đảng viên, ông đề nghị phải tự giác học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa theo chuẩn mực đạo đức, để không bị cám dỗ trước tiền tài, vật chất, danh vọng, như Tổng bí thư từng nói "danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
"Cán bộ, đảng viên phải luôn đề cao danh dự, tự trọng, liêm sỉ, văn hóa công vụ, văn hóa từ chức, để việc có lên có xuống, có vào có ra dần trở thành văn hóa trong Đảng và việc làm bình thường trong công tác cán bộ", ông Cường nhấn mạnh.